Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) về nội dung này.

 Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, vì sao lại thay đổi tên dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Bộ Công an và Chính phủ đã nghiên cứu rất kỹ trước khi đề nghị đổi tên gọi từ dự án Luật CCCD (sửa đổi) thành Luật Căn cước, bởi thực tiễn hiện nay và xu hướng chung trên thế giới đòi hỏi cần phải ban hành Luật Căn cước với phạm vi rộng hơn, bao trùm và hệ thống hơn Luật CCCD thì mới đáp ứng tốt yêu cầu công tác quản lý nhà nước, đồng thời phục vụ tốt nhất nhu cầu của công dân trong thời đại số, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng như công tác an sinh xã hội...

Ví dụ, dự thảo Luật Căn cước sẽ bổ sung một số trường thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu CCCD để đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu của cơ quan nhà nước và người dân; giúp việc xác minh danh tính và giao dịch của công dân trên các nền tảng điện tử thuận tiện, an toàn hơn. Quy định về căn cước điện tử có giá trị pháp lý như căn cước in, sử dụng để chứng minh danh tính, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện các giao dịch điện tử rất thuận lợi, tiết kiệm chi phí in ấn và bảo quản thẻ. Thẻ căn cước không cần in vân tay của công dân mà sử dụng mã QR để liên kết với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

leftcenterrightdel
 Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) làm căn cước cho công dân. Ảnh: TUẤN NAM

 

Đặc biệt, dự thảo Luật Căn cước quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, giúp quản lý dân cư và bảo vệ quyền lợi của đối tượng này tốt hơn. Nếu để tên Luật CCCD thì sẽ không điều chỉnh được đối với hàng chục vạn người thuộc diện này.

Phóng viên (PV): Việc ban hành Luật Căn cước thay cho Luật CCCD năm 2014 vào thời điểm này có thực sự cần thiết, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Theo chúng tôi là rất cần thiết, bởi ban hành Luật Căn cước nhằm các mục đích sau:

Một là, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Luật Căn cước chính là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (như lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động...) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Hai là, Luật Căn cước thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đây là cơ sở để nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội khác. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán... lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ căn cước gắn chip điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNeID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm...

Ba là, phục vụ phát triển công dân số. Hiện nay, người dân có rất nhiều loại giấy tờ, như CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ... Nhằm tạo điều kiện cho công dân, cần phải xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ căn cước gắn chip điện tử, từng bước thay thế các giấy tờ của người dân trong các giao dịch. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNeID như: Dịch vụ cư trú, CCCD, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Bốn là, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có, như: Cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu thuế..., bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ người dân chính xác và thuận lợi.

Năm là, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin phục vụ việc điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế-xã hội...

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết một số nội dung chính, điểm mới của dự thảo Luật Căn cước?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Dự thảo Luật Căn cước so với Luật CCCD năm 2014 có những điểm mới chủ yếu, được thể hiện trong 4 nhóm chính sách, gồm: Bổ sung quy định về tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước, thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước; bổ sung các thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; bổ sung quy định về tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

PV: Như vậy, ban hành Luật Căn cước sẽ là bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Đúng vậy, Luật Căn cước sẽ là một bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD vào công tác quản lý nhà nước.

Cụ thể, việc đổi mới quản lý dân cư là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước nhằm tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư. Phục vụ cho việc xây dựng và phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những cơ sở dữ liệu quốc gia trọng điểm theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nguồn thông tin chính xác và đầy đủ về toàn bộ công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Cơ sở dữ liệu này sẽ được liên kết và chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng thông tin về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh quốc gia và phòng, chống tội phạm, cung cấp dịch vụ công và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Thực hiện Luật Căn cước còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân, tạo điều kiện cho công dân tham gia vào các giao dịch điện tử thuận tiện và an toàn. Căn cước là công cụ xác minh danh tính và quyền lợi của công dân khi thực hiện các giao dịch điện tử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Căn cước điện tử là một hình thức căn cước mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới số, giúp công dân không cần mang theo thẻ căn cước in khi thực hiện các giao dịch điện tử, mà chỉ cần sử dụng thiết bị có kết nối internet.

Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là một biện pháp nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân của nhóm đối tượng này. Đồng thời, việc lược bỏ vân tay và một số thông tin không cần thiết trên thẻ căn cước là một biện pháp nhằm tôn trọng quyền riêng tư của công dân, giảm thiểu rủi ro về việc lộ thông tin cá nhân khi sử dụng thẻ căn cước. Qua đó, đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ.

PV: Nhưng việc thay CCCD đang sử dụng bằng thẻ căn cước có gây phiền hà, tốn kém không, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Tôi khẳng định là sẽ không gây phiền hà, tốn kém, vì dự thảo Luật Căn cước đã quy định rõ việc chuyển tiếp: CCCD đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ CCCD vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật. Thẻ CCCD quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ CCCD trong giấy tờ đã cấp.

Chúng tôi đã tính toán, chi phí làm một thẻ căn cước có gắn chip điện tử chỉ vài chục nghìn đồng sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với công dân phải làm nhiều loại giấy tờ, các loại sổ khác, vì thẻ căn cước đã tích hợp các loại giấy tờ và sổ này. Hơn nữa, sử dụng thẻ căn cước để giao dịch điện tử thì người dân sẽ rất ít phải đi lại khi giải quyết các thủ tục hành chính, các giao dịch theo kiểu truyền thống là đến tận nơi như hiện nay. Đồng thời, nhiều cơ quan nhà nước cũng bớt bộ phận trung gian tiếp nhận, đăng ký, chuyển, gửi hồ sơ. Thực tế các nước áp dụng thẻ căn cước đã chứng minh rõ điều này và rõ nhất là giảm được số lượng người lưu thông trên đường.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

QUANG NAM (thực hiện)