Đổi thay nhờ có điện lưới

Mường Nhé là huyện cực Tây của Tổ quốc, nằm trên ngã ba biên giới, giữa Việt Nam-Trung Quốc và Lào. Thực hiện Quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Đề án 79), vừa qua Công ty Điện lực Điện Biên đã triển khai công trình cấp điện cho 15 điểm bản trên địa bàn các xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong và Pá Mỳ (huyện Mường Nhé).

Công nhân điện lực thao tác đóng điện công trình cấp điện cho các điểm bản huyện Mường Nhé.

Chiều muộn, chúng tôi ngược con suối Nậm Kè để đến các bản: Hua Sin 1, Hua Sin 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Nhờ có nguồn sáng từ dòng điện lưới quốc gia mang đến, bản làng như sôi động hẳn lên. Ông Hạng A Sùng, Trưởng bản Hua Sin 1, phấn khởi cho biết: "Bản có 46 hộ dân thì 100% thuộc hộ nghèo. Trước đây, khi chưa có điện, người dân trong bản phải thắp đèn dầu, thắp nến hoặc đốt củi trong nhà để có nguồn sáng. Gia đình nào có điều kiện thì mua máy phát điện đặt dưới suối nhưng nguồn điện yếu lại chập chờn; mùa khô, nước suối cạn thì không chạy được. Nay có điện rồi, người dân mua máy móc để sản xuất; mua ti vi, điện thoại để sử dụng nên biết thêm nhiều thông tin xã hội, cuộc sống văn minh hơn".

Chị Lầu Thị Chá, bản Hua Sin 1, làm nghề may thủ công. Trước đây, khi chưa có điện, mỗi ngày chịu khó lắm, chị Chá cũng chỉ may được một bộ quần áo. Khoe chiếc máy may chạy bằng điện mới mua, chị Chá vui mừng: “Có điện, làm việc gì cũng thuận lợi, dễ dàng, mình may thêm được nhiều quần áo. Con cái học bài thuận lợi, chăm chỉ hơn”. Là hộ mở cửa hàng bán tạp hóa nhỏ tại bản Hua Sin 2, từ khi có điện chị Sùng Thị Lan đầu tư mua tủ lạnh bán kem, chị cho biết: “Lâu nay trẻ con trong bản muốn ăn kem cũng phải đợi chợ phiên, xuống trung tâm xã mới mua được. Nay có điện rồi, muốn ăn lúc nào cũng có. Đi làm nương về nóng đã có quạt điện, dần dần mua thêm nồi cơm điện, ấm điện để đun nước”.

Công nhân điện lực kiểm tra kỹ thuật điện tại huyện Mường Nhé.

Hướng về đồng bào biên giới

Ông Trần Đức Dũng, Phó giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên cho biết: "Thực hiện Đề án 79, xuất phát từ thực tế các bản chưa có điện lưới quốc gia sau tái định cư, cuối năm 2019, công ty lập phương án và báo cáo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) triển khai công trình cấp điện cho 15 điểm bản trên địa bàn các xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong và Pá Mỳ (Mường Nhé). Đến nay, công trình hoàn thành giúp người dân có cuộc sống mới". Phấn khởi với những thành quả đạt được, nhưng quá trình thi công, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Do người dân sống không tập trung, bị ngăn cách bởi đồi cao, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đường mòn nên để vận chuyển vật liệu xây dựng, cột điện, nhà thầu buộc phải mở đường. Phương tiện vận chuyển vật liệu cát, sỏi, đá, xi măng đều phải chở bằng xe máy hoặc vác bộ băng qua vườn nhà dân. Tuy nhiên, với tinh thần làm việc không mệt mỏi, sau hai tháng thi công, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng sớm hơn dự định. Với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, công trình có 6,57km đường dây trung thế, hơn 20km đường dây hạ thế, 10 trạm biến áp có tổng công suất hơn 501kVA cấp điện cho 621 hộ dân tại 15 điểm bản của 5 xã. Triển khai công trình cấp điện cho 15 điểm bản, mỗi người dân trong vùng thụ hưởng được Nhà nước hỗ trợ kéo dây điện về  tận gia đình, lắp bảng điện và một bóng điện thắp sáng.

Công nhân điện lực hướng dẫn người dân huyện Mường Nhé cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Ông Thào A Dế, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết: "Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành, hiện nay hệ thống điện của Mường Nhé đã phát triển vươn đến điểm bản xa xôi, khó khăn. 100% xã của huyện đã có điện, trong đó 75/117 bản với gần 6.500/hơn 8.000 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ hơn 80%. Công trình cấp điện cho các điểm bản theo Đề án 79 lần này là động lực góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN