Ngoài các trường hợp mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại Khoản 2, Điều 38 Luật Báo chí thì Khoản 1, Khoản 5 của điều này cũng quy định rõ: Thứ nhất, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin. Thứ hai, cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường.

Điều 39 Luật Báo chí cũng quy định về việc trả lời trên báo chí: Thứ nhất, người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Thứ hai, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết… Ngoài ra, việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính còn được quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định rất rõ về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Thực tế quá trình tác nghiệp điều tra, giải quyết đơn, thư, ý kiến phản ánh của bạn đọc ở Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi ghi nhận nhiều lãnh đạo địa phương thực hiện rất tốt quy định trên và tiếp nhận, trả lời, phản hồi kịp thời, trách nhiệm, như các địa phương: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Sơn La, Bắc Kạn, Đắc Lắc, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định)… Tuy nhiên, cũng còn không ít ngành, địa phương trốn tránh trách nhiệm dù tòa soạn gửi công văn, đề nghị trả lời theo quy định tại Điều 39 Luật Báo chí.

Phân tích ở góc độ báo chí, truyền thông, PGS, TS, nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng, khi đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nảy sinh vấn đề tiêu cực, nổi cộm thì việc báo chí tới tìm hiểu, đưa tin phản ánh là nhiệm vụ rất quan trọng. Báo chí có trách nhiệm tham gia vào quá trình giám sát, phản biện và quản lý xã hội nên việc nhà báo đến tìm hiểu là nhiệm vụ quan trọng của báo chí. Bởi vì những vấn đề tiêu cực khi các cơ quan báo chí phản ánh, làm rõ sẽ làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn; sai phạm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sớm được đưa ra công luận thì họ sẽ phải tìm cách khắc phục sớm, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng.

PGS, TS Nguyễn Thành Lợi cho biết: “Trong thực tế vẫn còn những trường hợp lãnh đạo cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tìm cách né tránh trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí. Nguyên nhân trước hết có thể là do họ chưa tìm hiểu nên không hiểu về Luật Báo chí, chưa hiểu rõ về quyền hạn, nhiệm vụ của báo chí và họ nghĩ rằng nếu né tránh được nhà báo thì đồng nghĩa với việc thông tin sẽ không được đưa lên công luận. Nhưng thực tế hiện nay, không chỉ báo chí tham gia vào việc đó mà còn có người dân, mạng xã hội. Vì thế tôi cho rằng, việc né tránh báo chí là cách làm không phù hợp với xã hội đương đại, khi mà chúng ta luôn cần thông tin minh bạch, phản ánh một cách đầy đủ, toàn diện nhất những mặt trái, tiêu cực trong đời sống xã hội”.

“Nếu phóng viên có đầy đủ giấy giới thiệu của cơ quan, thẻ nhà báo, thậm chí công văn để bảo đảm tính chính danh khi liên hệ làm việc mà lãnh đạo đơn vị, địa phương, doanh nghiệp không trả lời thì đồng nghĩa với việc họ đang vi phạm quy định của Chính phủ về cung cấp, trả lời thông tin cho báo chí và Luật Báo chí. Về cơ bản và lâu dài, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp cần được đào tạo về truyền thông để hiểu vai trò và tầm quan trọng của báo chí trong đời sống xã hội; việc cung cấp, trả lời thông tin cho báo chí là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị khi phóng viên, cơ quan báo chí yêu cầu. Ngoài ra, cần phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với báo chí để cung cấp thông tin một cách chính thống chứ không phải thấy nhà báo là né tránh. Để làm được những điều này thì các tổ chức, doanh nghiệp cần được đào tạo bài bản, thậm chí có phòng truyền thông, ban truyền thông hay bộ phận phụ trách báo chí, truyền thông. Khi có các bộ phận này, họ sẽ có những đánh giá, phân tích, nhận định, tham mưu cho lãnh đạo trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí”, PGS, TS Nguyễn Thành Lợi phân tích thêm.

Còn luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận ở góc độ pháp lý: “Chúng ta đã có quy định về cung cấp, trả lời thông tin cho báo chí nhưng chưa có chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định này. Thiết nghĩ, Luật Báo chí nên quy định rõ về chế tài đối với lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thẩm quyền nếu cố tình không trả lời thông tin trên báo chí cũng như công văn mà báo chuyển đến thì cần phải xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc có thể là xử lý về mặt hình sự tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Có như vậy mới có cơ chế xử lý những trường hợp cố ý che giấu thông tin, các cơ quan báo chí mới được cung cấp thông tin kịp thời, chính xác”.   

NGUYỄN ĐỨC TUẤN