Báo cáo chưa đầy đủ về kết quả thí điểm Uber, Grab?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, chia sẻ: “Nghiên cứu bản dự thảo nghị định và tờ trình Chính phủ, chúng tôi rất bất ngờ vì Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá chưa đầy đủ về kết quả thực hiện Quyết định số 24 của Bộ GTVT về cho phép Uber, Grab thí điểm xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, cụ thể là đã không đề cập đến các hệ lụy: Số xe hợp đồng dưới 9 chỗ (Uber, Grab) tăng nhanh đến mức không kiểm soát được, gấp 3 lần xe taxi truyền thống, phá vỡ quy hoạch vận tải, dẫn đến gia tăng ùn tắc giao thông; lực lượng chức năng rất khó xử lý vi phạm vì xe Grab, Uber không có nhận diện (giống như xe tư nhân). Việc xác định Uber, Grab là những công ty “phần mềm gọi xe” tạo ra bất bình đẳng rất lớn về điều kiện kinh doanh với taxi truyền thống, tạo kẽ hở cho Uber, Grab được hưởng mức thuế suất VAT 0% trong khi taxi truyền thống phải chịu 10%, khiến Nhà nước thiệt hại rất lớn về thuế. Đặc biệt, các đơn vị thực hiện thí điểm còn coi thường pháp luật Việt Nam, không chịu trách nhiệm bảo hiểm cho hành khách, cho lái xe và phương tiện, ngang nhiên mở rộng ra các thành phố khác không nằm trong diện thí điểm, trốn thuế... mà chúng ta không xử phạt được vì đã coi họ chỉ là “đơn vị cung cấp phần mềm” và máy chủ của họ đặt ở nước ngoài...”.

Cùng phân tích về những bất cập trong quản lý Uber, Grab, theo đại diện Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh: Còn rất nhiều hệ lụy vì Bộ GTVT đã coi Uber, Grab là xe hợp đồng điện tử. Cơ chế quản lý sai đã dẫn tới rất nhiều hợp tác xã vận tải “ma” ra đời chỉ để thu tiền của hàng vạn tài xế, rồi đứng ra ký hợp đồng với Uber, Grab để “hợp pháp hóa” hoạt động của “xe hợp đồng điện tử”. Trong khi đó, Uber, Grab tuyển dụng lái xe, trực tiếp điều hành xe, quyết định giá cước và tỷ lệ ăn chia theo kiểu “bóc lột” lái xe, rồi lại báo lỗ gần nghìn tỷ đồng... “Chúng ta cần khuyến khích việc đưa tiến bộ khoa học vào hoạt động vận tải như Grab và Uber và taxi truyền thống cần học tập công nghệ tiên tiến của họ. Nhưng chúng ta phải có cơ chế quản lý đúng để bảo đảm sự công bằng, minh bạch, tránh lợi ích nhóm, gây nên sự bất bình đẳng và thiệt hại chung cho xã hội”, Thạc sĩ Trương Đình Quý, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị.   

Số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động như taxi tăng chóng mặt gây ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội. Ảnh: NHẤT VĂN.

Phải định nghĩa đúng về các loại hình vận tải

Theo quan điểm của các hiệp hội taxi thì Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP chưa định nghĩa đúng về 5 loại hình vận tải. Đây là kẽ hở lớn nhất, vì không định nghĩa đúng bản chất, cụ thể, rõ ràng thì sẽ dẫn đến ban hành quy định sai.

Ông Nguyễn Công Hùng phân tích: “Việc Bộ GTVT xác định Uber, Grab là xe hợp đồng điện tử; còn taxi truyền thống dù có ứng dụng phần mềm như Uber, Grab lại thuộc loại hình “taxi điện tử” là rất vô lý. Luật Giao thông đường bộ quy định rõ tại Điều 66 “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền”. Trong Điều 3 của Dự thảo Nghị định cũng viết: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền hoặc thông qua phần mềm căn cứ vào ki-lô-mét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi”. Bản chất hoạt động của taxi truyền thống, taxi điện tử và Uber, Grab là như nhau: Cùng là xe dưới 9 chỗ, cùng có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của khách, tính cước theo cự ly di chuyển và thời gian chờ đợi. Do vậy, tất cả đều là xe taxi. Người dân bình thường cũng nhận thấy điều này. Các chuyên gia GTVT, các sở GTVT và chính Bộ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định như vậy tại nhiều cuộc họp. Song không hiểu vì sao Ban soạn thảo nghị định lại coi Uber, Grab là xe hợp đồng điện tử”.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, trình bày: “Chúng ta phải căn cứ vào đặc điểm hoạt động vận tải để xác định loại hình vận tải, còn hợp đồng điện tử hay hợp đồng giấy chỉ là phương thức giao kết chứ không phải bản chất của loại hình vận tải. Do vậy, cần quy định cả taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là taxi để dễ quản lý, bình đẳng các nghĩa vụ và trách nhiệm, còn anh nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì anh đó có lợi nhuận cao hơn”.

Đối với loại hình xe chở khách du lịch, Dự thảo Nghị định cũng định danh chưa chặt chẽ. Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ quy định “Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch”. Như vậy, nghị định mới cần xác định rõ kinh doanh vận tải khách du lịch có hai loại: Một là, loại vận tải khách du lịch theo tuyến cố định thì hoạt động và cách quản lý như với xe khách tuyến cố định, chỉ khác là điểm xuất phát và điểm đến là các điểm du lịch. Hai là, loại vận tải khách du lịch theo chương trình và địa điểm du lịch (tour nhóm) thì hoạt động và cách quản lý như với loại hình xe hợp đồng để tránh “trá hình” chở khách như xe khách tuyến cố định nhằm “né” các loại thuế, phí và hoạt động “xe dù, bến cóc”. Như vậy sẽ rất đơn giản, thuận lợi cho cả công tác quản lý nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp, người dân.

Cần chỉnh sửa một số quy định

Ngoài hai bất hợp lý trên, theo các hiệp hội taxi thì Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP còn một số “lỗ hổng” khác, như: Thiếu chế tài xử lý đối với trường hợp lái xe, xe vi phạm kinh doanh không đúng loại hình đăng ký; sử dụng phù hiệu, biển hiệu không đúng loại hình được cấp; xe du lịch và xe hợp đồng vi phạm quy định “mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký 1 hợp đồng”; xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng hoạt động như taxi hoặc ngược lại... Tại Điều 23 có quy định: “Phù hiệu xe tuyến cố định cấp cho các xe tăng cường trong các dịp lễ, tết, các kỳ thi tuyển sinh đại học”, cần bổ sung thêm hai chữ “cuối tuần” vì nhu cầu đi lại dịp cuối tuần rất cao. Điểm quan trọng nữa là cần bổ sung quy định xe kinh doanh vận tải có màu biển số riêng để dễ nhận biết và thuận tiện trong công tác quản lý, bảo đảm sự công khai, minh bạch...

Về những nội dung còn có ý kiến khác nhau, các hiệp hội taxi phân tích: Có người cho rằng, nếu coi Uber, Grab là đơn vị kinh doanh vận tải thì không hợp lý, vì họ chỉ cung cấp phần mềm vận tải. Đây là kiểu “đánh tráo khái niệm”, vì nếu anh chỉ cung cấp phần mềm (cho thuê, bán phần mềm), mà không trực tiếp điều hành vận tải, tuyển dụng lái xe, quyết định phương án kinh doanh và giá cước, phân phối lợi nhuận... thì anh không phải là đơn vị kinh doanh vận tải. Còn nếu anh quyết định những khâu quan trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải như trên thì rõ ràng là đơn vị kinh doanh vận tải. Tương tự, ý kiến đề nghị bỏ quy định “xe hợp đồng chỉ được ký một hợp đồng và không được chạy theo tuyến cố định... vì hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp” thì cũng là kiểu bao biện để bảo vệ cho xe trá hình và “xe dù, bến cóc” tiếp tục hoạt động. Chúng ta có nhiều loại hình vận tải để doanh nghiệp lựa chọn. Không thể đăng ký xe hợp đồng, rồi lại chạy như taxi hoặc tuyến cố định để thu lời bất chính, gây rối loạn trật tự vận tải.

Ngày 21-8, Ban tổ chức Hội thảo về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đã thống nhất đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT sửa lại dự thảo nghị định này. Hiệp hội Taxi của 3 thành phố kiến nghị: Để bảo đảm khách quan, dân chủ, Chính phủ cần tổ chức buổi đối thoại cởi mở với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải (cả Uber, Grap) để làm rõ từng nội dung còn ý kiến khác nhau, làm cơ sở ban hành nghị định mới thực sự chất lượng, vừa tạo sự tiện lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, vừa quản lý tốt hơn; không để những “lỗ hổng” gây rối loạn trật tự vận tải.

QUANG MINH