Tham vấn cộng đồng sơ sài

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho biết: Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) là một phức hợp gồm 4 nhà máy điện than lớn cùng những công trình kèm theo gồm 3 cảng than, 1 cảng tổng hợp. Tất cả các công trình này đều có tác động lớn tới môi trường nhưng không có đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) hoặc đánh giá môi trường tích lũy. “Do không có ĐMC, các dự án có tác động lớn tới môi trường thường được chấp nhận và phê duyệt chỉ dựa trên cơ sở kinh tế”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nói.

Khi tiếp cận, nghiên cứu ĐTM của hai dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (1 và 3) thuộc Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, các chuyên gia chỉ ra hàng loạt vấn đề kỹ thuật khó chấp nhận như: Không đánh giá hiện trạng thủy sản và không theo dõi tác động của nó; không đánh giá tác động lên động thực vật, rừng ngập mặn, nông nghiệp và thủy sản; thiếu thông tin về chất thải nguy hại; thiếu đánh giá về sự đóng góp thêm cho biến đổi khí hậu; đánh giá tác động về kinh tế-xã hội còn “chiếu lệ”…

PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) dẫn chứng: Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển ở khu vực nhà máy nhiệt điện bị hủy diệt, nguồn thủy sản ven bờ đã suy giảm nghiêm trọng. Người dân địa phương cho biết gần như không còn cá để đánh bắt; toàn bộ sản xuất nông, ngư nghiệp xung quanh nhà máy đều bị tê liệt do thiếu nguồn nước sạch. Báo cáo ĐTM khẳng định tiếng ồn và độ rung khi vận hành nhà máy là không đáng kể, thực tế tiếng ồn của nhà máy là một dạng "tra tấn" âm ỉ cho cộng đồng xung quanh. Đối với rác thải nguy hại, báo cáo chỉ nói giao cho công ty môi trường xử lý nhưng không nói rõ cách xử lý các rác thải nguy hại. Các ĐTM cũng không có giải pháp sinh kế hữu hiệu và bền vững cho cộng đồng, người dân địa phương...

leftcenterrightdel
Báo cáo tác động môi trường của dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu được cho là còn thiếu sự tham vấn của cộng đồng. 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện ghi nhận: “Các mô hình phát tán khói bụi trong các báo cáo ĐTM dựa vào số liệu gió trung bình tháng về vận tốc và hướng gió, với số liệu trước năm 2010. Điều này có thể dẫn đến lỗi vì sự bất thường của gió hiện nay tạo ra sự khác biệt so với trung bình trước đây. Ngoài ra, dữ liệu được lấy từ TP Trà Vinh chứ không phải huyện ven biển Duyên Hải. Số liệu lấy ở độ cao 10m đem áp dụng cho ống khói nhà máy cao 210m mà không có hiệu chỉnh là không đúng. Ngoài ra, các báo cáo ĐTM không hề đề cập việc đốt một lượng than cực lớn sẽ thải ra một lượng lớn khí CO2 làm tăng nhiệt độ không khí và hiệu ứng nhà kính-đây là nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu”.

PGS, TS Lê Anh Tuấn cho rằng, tham vấn cộng đồng trong các ĐTM là một khâu rất sơ sài, mang tính đối phó. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, báo cáo ĐTM của Dự án Điện gió Bạc Liêu tuy cơ bản xác định được những tác động và biện pháp giảm thiểu nhưng còn thiếu sự tham vấn, tham gia một cách có ý nghĩa của cộng đồng.

Nên tham vấn cộng đồng có ý nghĩa

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết, báo cáo ĐTM của Dự án Điện gió Bạc Liêu chỉ cung cấp 1 trang về tham vấn cộng đồng. Nhà đầu tư chỉ tham vấn UBND và Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (nơi đặt nhà máy) mà không hề có tham vấn cộng đồng địa phương.

Tương tự, ĐTM của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3 cũng vậy, nhà đầu tư chỉ gửi văn bản kèm theo bản tóm tắt ĐTM đến UBND, Ủy ban MTTQ cấp xã và nhận lại phản hồi bằng văn bản. Những người bị thu hồi đất được mời lên họp nhưng họ cũng chỉ được thông báo về mức bồi thường, hỗ trợ và kế hoạch giải tỏa.

Theo các chuyên gia, các quy định và hướng dẫn về tham vấn cộng đồng trong báo cáo ĐTM hiện nay không đủ bảo đảm tham vấn cộng đồng có ý nghĩa. Những hướng dẫn hiện nay cũng không yêu cầu phải phân tích các bên liên quan để xác định ai phải được tham vấn. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 yêu cầu ĐTM tham vấn tổ chức và cộng đồng bị tác động trực tiếp bởi dự án nhưng không định nghĩa rõ “tác động trực tiếp” là thế nào. Trên thực tế, điều này được diễn dịch lỏng lẻo là người dân trong xã có dự án và bị ảnh hưởng về thu hồi đất; ảnh hưởng đến hoa màu, nhà cửa, tái định cư… vì vậy mà ở hầu hết các tình huống, chỉ một ít hộ gia đình được hỏi ý kiến về tái định cư, đền bù chứ không phải về tác động của dự án.

Nếu nhà đầu tư chỉ tham vấn UBND và Ủy ban MTTQ xã thì hầu như trong mọi trường hợp, các cơ quan cấp xã đều bày tỏ ủng hộ dự án mà không phản đối hoặc nêu quan ngại, ngoài việc yêu cầu nhà đầu tư đền bù thỏa đáng theo quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan cấp xã không đủ năng lực kỹ thuật để hiểu sự tác động. Bên độc lập thứ ba để giúp hướng dẫn thảo luận nhằm tránh thiên lệch cũng không có. Hơn nữa, các cơ quan đó cũng không muốn trái ý cấp trên và chính sách thu hút đầu tư của địa phương, vì vậy dù có phản hồi bằng văn bản nhưng cũng không thể phản ánh được nguyện vọng của người dân.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đề xuất: Bộ Tài nguyên và Môi trường nên sửa đổi hướng dẫn về tham vấn, có thể tham khảo những cách làm tốt trên thế giới để tham vấn có ý nghĩa hơn và các bên liên quan được tham gia trong tất cả các giai đoạn của ĐTM. Sự tham vấn có ý nghĩa và sự tham gia của các bên liên quan cũng như cộng đồng địa phương có thể giúp rất nhiều trong việc nâng cao sự tin cậy về kết quả đánh giá ĐTM cũng như biện pháp giảm thiểu. Sự bày tỏ quan ngại của cộng đồng sẽ giúp nhà đầu tư sớm đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhằm tránh xung đột giữa dự án và cộng đồng.

Bài và ảnh: HỒNG HIẾU