Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam vượt chỉ tiêu đưa lao động đi xuất khẩu nước ngoài. Cụ thể, trong năm 2017 có gần 135.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt 28,3% so với kế hoạch năm). Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp XKLĐ đã đưa gần 60.000 người đi làm việc tại nước ngoài (tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó tập trung vào một số thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Ả-rập Xê-út...
Phải khẳng định rằng, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt được những kết quả nhất định, số lượng tăng dần hàng năm; chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay lao động xuất khẩu của nước ta vẫn còn không ít bất cập, như: Yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp nhu cầu của thị trường, thiếu tác phong làm việc công nghiệp... Theo Bộ LĐ-TB&XH, có đến gần 50% số người đi xuất khẩu là lao động phổ thông, số còn lại là lao động có tay nghề, nhưng thực chất đây chỉ là lao động học qua các lớp sơ cấp, bổ túc tay nghề chứ không phải là lao động có tay nghề được đào tạo chuyên môn bài bản. Hiện, mới chỉ có một số ít lao động trình độ cao đi XKLĐ theo mô hình y tá, điều dưỡng tại Nhật Bản và Đức. Bên cạnh đó, chính sách tiếp nhận, cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động nước ngoài của các quốc gia tiếp nhận lao động liên tục thay đổi khiến công tác dự báo số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài; công tác quản lý, bảo vệ người lao động cũng gặp nhiều khó khăn... Chính những điều này khiến cho nguồn lao động xuất khẩu của nước ta vẫn còn hạn chế.
Nghệ An là một trong những tỉnh có số người đi XKLĐ lớn nhất cả nước, với 60.000 người làm việc có thời hạn tại nước ngoài, chủ yếu ở Hàn Quốc. Số lao động này đã mang lại nguồn thu ổn định, nên nhiều gia đình ở Nghệ An trở nên khá giả. Tuy nhiên, hoạt động XKLĐ ở tỉnh Nghệ An còn nhiều bất cập, như: Chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu của nước sở tại; ý thức chấp hành thời gian lao động theo hợp đồng của một số người lao động không cao... Ông Đặng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Sau thời gian đi làm việc tại nước ngoài, người lao động trở về nước đúng thời hạn có được một số vốn nhất định để tiếp tục phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, họ cũng rèn được tác phong làm việc công nghiệp, đúc rút kinh nghiệm và tay nghề được nâng cao. Qua đó, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận người lao động từ nước ngoài trở về vào làm việc. Để nâng cao chất lượng cho XKLĐ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các trường, các trung tâm dạy nghề phối hợp với một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động trên địa bàn từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nâng cao trình độ tay nghề và ngoại ngữ.
Bên cạnh nguyên nhân ngoại ngữ còn yếu, trình độ tay nghề chưa phù hợp thì tâm lý nóng vội, mong sớm được đi XKLĐ cũng là yếu tố rào cản khi nhiều hồ sơ không đáp ứng được yêu cầu của nước sở tại. Ví dụ, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường XKLĐ lớn hiện nay của Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt đủ tiêu chuẩn, ngoài trình độ ngoại ngữ và tay nghề, người lao động phải hiểu rõ về phong tục, văn hóa của đất nước họ sẽ sang làm việc. Thế nhưng, do tâm lý nóng vội, chỉ mong nhanh chóng được xuất ngoại mà người lao động bỏ qua việc học những kỹ năng cần thiết, nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Bà Hoàng Khánh Trang, Giám đốc tư vấn trung tâm tổ chức giáo dục quốc tế Daystar (số 78 Bến Nghé, TP Huế) cho biết: “Khó khăn hiện nay của các trung tâm dạy nghề là tư tưởng mong muốn sớm được đi XKLĐ, nên người lao động thường có tâm lý học nhanh, học gấp. Đây là điều không an toàn, bởi trong thời gian 30-60 ngày không thể có cơ sở đào tạo nào đủ khả năng trang bị được cho người lao động vừa có đủ trình độ về ngoại ngữ, vừa am hiểu được văn hóa, luật pháp của nước sở tại”.
Để hoàn thành mục tiêu, mỗi năm dự kiến có từ 100.000 đến 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động đã qua đào tạo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng: Thời gian tới cần tăng cường đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật và chuyên gia, nâng dần tỷ trọng lao động có chất lượng cao trong tổng số lao động ra nước ngoài làm việc. Bên cạnh đó, cần xây dựng những quy định về điều kiện chặt chẽ hơn để chỉ những doanh nghiệp thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp tuyển chọn lao động thông qua môi giới, thu phí vượt quy định hoặc thu tiền nhưng không đưa được người lao động đi làm việc, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động… Có như vậy mới giảm thiểu những bất cập, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu hiện nay.
LAN HƯƠNG