Tuy nhiên, đến nay, đã bước sang mùa mưa năm 2022, tiến độ triển khai khu TĐC cho các hộ dân còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Nỗi lo khi mưa to

Bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, nằm cheo leo trên 3 dãy núi cao, tại đây có 42 hộ dân thuộc diện phải bố trí, sắp xếp di chuyển khẩn cấp sang khu TĐC mới, bởi nguy cơ sạt lở đất ở mức rất cao.

Anh Giàng A Chìa, một người dân thuộc diện phải di dời ở bản Ón, cho biết: “Mỗi khi trời mưa, chúng tôi lo lắm, cứ nghe tiếng kẻng của bản là cả nhà lại phải chạy thật nhanh sang trường học hoặc nhà văn hóa... Nếu ban ngày việc di chuyển còn đỡ, vào ban đêm thì cả nhà vẫn phải chạy, vất vả lắm”.

Ông Giàng A Chống, Trưởng bản Ón cho hay: "Chúng tôi báo động cho bà con bằng cách đánh kẻng, nghe kẻng là bà con phải di chuyển đến các vị trí an toàn".

Một hạng mục khu tái định cư tập trung tại bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) đang trong quá trình hoàn thành.

Theo Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ sắp xếp, ổn định cho 4.335 hộ dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; trong đó sắp xếp 1.610 hộ TĐC tập trung, 1.162 hộ TĐC xen ghép và 1.563 hộ ổn định tại chỗ. Theo đó, sẽ xây dựng 31 khu TĐC tập trung và 19 khu TĐC liền kề để ổn định cho 1.610 hộ dân.

Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng hơn 600 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 40%, nguồn ngân sách tỉnh chiếm 30%, còn lại là các nguồn huy động khác. Để bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện đề án từ nay đến năm 2025, việc triển khai sẽ bố trí theo mức độ: Nguy cơ rất cao, cao và trung bình.

Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã xác định phải hoàn thành khu TĐC tập trung trước mùa mưa cho 151 hộ dân, bao gồm: Huyện Quan Hóa 73 hộ (34 hộ ở bản Lỡ, xã Nam Động, 39 hộ ở bản Tang, xã Trung Thành); huyện Quan Sơn 36 hộ ở bản Ngàm, xã Tam Thanh và huyện Mường Lát 42 hộ ở bản Ón, xã Tam Chung.

Tuy nhiên, đến nay, đã bước sang mùa mưa năm 2022, tiến độ triển khai khu TĐC cho các hộ dân còn chậm so với kế hoạch đề ra. Tại khu TĐC bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát cũng như hai khu TĐC của huyện Quan Hóa, do địa hình phức tạp, việc thi công gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, nhà thầu thi công vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng cho các hộ dân.

Đại diện Công ty Phương Đông-một đơn vị thi công mặt bằng TĐC huyện Mường Lát-cho biết: “Điểm TĐC thuộc vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đơn giá thi công rất cao, giao thông đi lại khó khăn, độ dốc lớn, bố trí cho 42 hộ dân, chúng tôi đã đào đắp, san lấp 240.000 khối đất đá. Với định mức 300 triệu đồng/hộ theo phân bổ của tỉnh, không thể cung cấp đầy đủ hạ tầng điện, đường, nước... để bảo đảm cuộc sống người dân được”.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: "Việc lựa chọn được vị trí bằng phẳng làm nơi TĐC tập trung rất khó khăn, định mức kinh phí của trên còn thấp so với giá cả vật liệu thực tế tại địa phương. Điều kiện thời tiết mưa nhiều, địa hình đi lại, vận chuyển vật liệu khó khăn dẫn đến việc thực hiện không theo được đúng tiến độ. Tuy nhiên, chúng tôi quán triệt mục tiêu lớn nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân nên huyện sẽ vẫn di dời dân đến vị trí an toàn và từng bước hoàn thiện khu TĐC".

Tại huyện Quan Sơn, với 36 hộ ở bản Ngàm, xã Tam Thanh thuộc diện TĐC khẩn cấp, đơn vị thi công đã bàn giao đất cho các hộ dân tiến hành di chuyển ra nơi ở mới, tuy nhiên, một số hạng mục vẫn chưa thể hoàn thành do thiếu vốn. Tại Tờ trình số 42/TTr-UBND ngày 31-5-2022, huyện Quan Sơn đề nghị tỉnh Thanh Hóa nâng mức hỗ trợ đối với khu TĐC tập trung lên 450 triệu đồng/hộ mới bảo đảm theo yêu cầu đề án đặt ra.

Cần quỹ đất và nguồn vốn

Theo đồng chí Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa: “Mục tiêu của việc bố trí, sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong thời gian tới là nhằm ổn định, nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và củng cố quốc phòng, an ninh”.

Mục tiêu đã rõ, nhưng khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi Thanh Hóa là quỹ đất và nguồn vốn cần được giải quyết kịp thời, khoa học trên cơ sở thực tế.

Đối với nguồn vốn đầu tư, ngoài vốn Nhà nước hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn ngân sách, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do địa phương quản lý, việc thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư cần thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên cùng địa bàn và huy động vốn đầu tư, hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của nhân dân.

Bên cạnh nguồn vốn bố trí theo kế hoạch hằng năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương cần chủ động rà soát những dự án bố trí dân cư trên địa bàn, xác định các vùng cần di dời cấp bách nhưng thiếu vốn đầu tư để bổ sung từ quỹ dự phòng của địa phương hoặc trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung để thực hiện.

Người dân vùng nguy cơ sạt lở đất do lũ ống, lũ quét miền núi tỉnh Thanh Hóa mong mỏi những khó khăn, vướng mắc sớm được giải quyết, đề án sớm được hoàn thành, đồng thời được hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ, tín dụng-đầu tư, nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý... để việc sắp xếp, bố trí cho các hộ dân cư sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi đạt hiệu quả cao, bền vững.

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH