Nỗ lực di dời tài sản và người dân đến vị trí an toàn trong đêm.
17 giờ ngày 22-9, hàng trăm hộ dân khu vực trũng thấp của huyện Thường Xuân có nguy cơ bị ngập lụt. Thủy điện Hủa Na (tỉnh Nghệ An), Thủy điện Cửa Đặt và Thủy Điện Xuân Minh đều thực hiện xả lũ đã gây ngập lụt tại các xã Xuân Cao, Thọ Thanh, Xuân Dương, Ngọc Phụng và Thị trấn Thường Xuân.
Ban CHQS huyện Thường Xuân theo phương án đã xác định huy động 100% quân số, chia làm 3 tổ cơ động đến ngay các địa phương để sơ tán nhân dân đến vị trí an toàn. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đêm tối, trên sông Âm đoạn qua xã Ngọc Phụng liên tục dâng cao, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, tổ xung kích phòng, chống thiên tai của 16 xã, thị trấn của toàn huyện kịp thời được huy động đến các xã trọng điểm để giúp dân.
|
|
Dân quân xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) di dời tài sản của nhân dân trong đêm.
|
Điểm trường Tiểu học Hưng Long là nơi được sơ tán hơn 40 hộ dân xã Ngọc Phụng đến tránh trú trong đêm. Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch HĐND xã Ngọc Phụng cho biết: "Chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ nên ý thức của người dân rất tốt. Quân đội luôn là lực lượng xung kích đi đầu giúp nhân dân địa phương, nhất là đối với người già trẻ nhỏ. LLVT địa phương đã phát huy rất tốt vai trò xung kích phòng chống thiên tai của địa phương".
Anh Lê Văn Thắng, chủ trại lợn ở xã Ngọc Phụng xúc động bày tỏ: "Trong đêm tối nếu không có các chú bộ đội giúp đỡ thì hơn 100 con lợn của gia đình đã chết đuối hết rồi. Gia đình tôi rất cảm kích và biết ơn sự nhiệt tình, trách nhiệm và tình cảm của các anh Bộ đội Cụ Hồ dành cho người dân trong hoạn nạn…".
Trực tiếp chỉ huy bộ đội tham gia giúp dân, Thượng tá Lê Chí Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thường Xuân chia sẻ: "Chúng tôi đã xây dựng phương án xử lý tình huống mưa lũ, nước dâng cao gây ngập lụt, do đó ngay sau khi nhận lệnh, các lực lượng đã vào cuộc rất nhanh theo đúng kế hoạch. Từ việc huy động lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, đến phối hợp thực hiện nhiệm vụ được đơn vị triển khai một cách nhịp nhàng, hiệu quả. Hiện tại chúng tôi vẫn đang tổ chức ứng trực; kiểm tra, rà soát, chặt chẽ, cụ thể các trọng điểm, các hồ đập, đê kè, các tuyến đường, khu dân cư… Dự kiến những nơi có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá trên địa bàn để chủ động tuyên truyền, vận động và sơ tán nhân dân sớm ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân…".
Chủ động phương án ngập lụt, sạt lở đất diện rộng.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thanh Hóa có 9/11 huyện miền núi sạt lở đất đá; 8 huyện thị, thành phố ven các sông lớn có nguy cơ ngập lụt, hàng nghìn hộ dân đang phải di dời dân đến vị trí an toàn. Bám sát phương châm “4 tại chỗ” các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo giảm thiệt hại đến mức thấp nhất tài sản và tính mạng của người dân.
|
|
LLVT huyện Mường Lát giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Mường Chanh. |
Theo Đại tá Vũ Văn Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa, nếu không chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ sẽ lúng túng trong công tác phòng chống và cứu hộ, cứu nạn. Hiện tại toàn tỉnh Thanh Hóa đã có gần 200 vị trí sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông, nhiều địa phương bị cô lập chia cắt. Tình hình trên dẫn đến việc cơ động lực lượng, phương tiện, ứng cứu lẫn nhau của các địa phương gặp nhiều khó khăn. "Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phát huy tốt tính chủ động, thôn bản ứng cứu thôn bản, xã ứng cứu xã… chủ động, tích cực phát huy tốt 4 tại chỗ của từng địa phương, đơn vị...", Đại tá Vũ Văn Tùng nói.
|
|
Thượng tá Lê Chí Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thường Xuân chia sẻ hoạt động cứu trợ nhân dân. |
Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.