Với đặc thù giao thông hỗn hợp trên hầu hết tuyến phố tại Hà Nội, xe buýt đi chung với các loại phương tiện khác và cũng thường xuyên phải đối diện với cảnh đông đúc, tắc đường. Các điểm dừng xe buýt bố trí ở khoảng cách tương đối gần, vào giờ cao điểm hành khách rất đông, do vậy hệ thống lái, côn, phanh, số phải hoạt động liên tục. Đặc thù này cũng tác động đến quá trình bảo dưỡng, sửa chữa xe buýt.

Anh Nguyễn Xuân Thiêm, thợ bảo dưỡng sửa chữa của Xí nghiệp xe buýt Hà Nội thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, ngoài quan tâm đến côn, phanh, số thì hệ thống cửa của xe buýt cũng phải hoạt động trơn tru để xe đón, trả khách thuận tiện. Công việc của những người thợ kỹ thuật là bảo đảm xe hoạt động tốt, góp phần nâng cao chất lượng vận hành, thường xuyên trau dồi tay nghề để tăng năng suất lao động.

Những người thợ bảo dưỡng, sửa chữa xe buýt. 

Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ thuộc Transerco, tổng công ty đang có hơn 1.000 xe buýt hoạt động hằng ngày từ 5 giờ đến 22 giờ với cường độ cao. Để bảo đảm hoạt động thường xuyên của phương tiện, tổng công ty ban hành quy trình kiểm tra bảo dưỡng sửa chữa từ cấp nhỏ nhất đến lớn nhất, tất cả đơn vị đều phải triển khai nghiêm túc theo quy trình này. Trong đó, cấp nhỏ nhất là kiểm tra hằng ngày của lái xe và nhân viên kỹ thuật. Khi nhận bàn giao xe vào đầu ngày, lái xe phải kiểm tra với khoảng 30 danh mục, vận hành động cơ, kiểm tra dầu, nước, phanh, đủ điều kiện mới được phép hoạt động. Vào cuối ngày, khi đưa xe về điểm đỗ cũng phải kiểm tra với nội dung tương tự. Cấp thứ 2 là bảo dưỡng theo định kỳ với các mức 4.000km, 12.000km, kiểm tra 20-30 danh mục, đặc biệt chú ý đến hệ thống lái, lốp, lọc gió, nhiên liệu, phanh... Sau đó là cấp trung tu, đại tu để kiểm tra, đánh giá toàn diện phương tiện. Hiện nay, niên hạn sử dụng của xe buýt cứ 10 năm sẽ thay thế xe mới. Trung bình, mỗi năm Transerco thay thế khoảng 100-200 xe, các xe thay mới ngày càng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tốt hơn, nhất là tiêu chuẩn về khí thải.

Xác định vai trò rất quan trọng của công tác hậu cần, bảo dưỡng, sửa chữa, ông Nguyễn Thủy, Phó tổng giám đốc Transerco chia sẻ: Tại mỗi đơn vị đều có xưởng sửa chữa, công tác này được thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm an toàn lưu thông đối với phương tiện khi ra tuyến. Mỗi xe buýt của Transerco đều có hồ sơ điện tử để theo dõi "sức khỏe", ghi chép cẩn thận, cập nhật các thông tin như số ki-lô-mét vận hành, các lần bảo dưỡng, thay thế vật tư, phụ tùng. Từ đó, phương tiện được kiểm tra theo đúng chu trình và quy định nghiêm ngặt của công tác kỹ thuật, góp phần giúp xe buýt lưu thông an toàn. Bên cạnh đó, công tác bảo dưỡng, sửa chữa cũng cần thực hiện nhanh chóng, không ngừng nâng cao chất lượng để phương tiện bảo đảm thời gian hoạt động, không bị gián đoạn.

Bài và ảnh: LINH NGÂN