Lao đao vì đường ngoại
Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ ngày 1-1-2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu (NK) từ các nước ASEAN và mức thuế chỉ 5%. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thực hiện cam kết ATIGA, ngay lập tức một khối lượng đường kỷ lục đã tràn vào thị trường Việt Nam. Năm 2020, tổng lượng đường mía NK tăng đột biến, trong đó chủ yếu là đường NK từ Thái Lan. Đường NK giá rẻ tràn vào thị trường trong nước khiến đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, tạo sức ép lớn cho nông dân trồng mía, doanh nghiệp mía đường đối diện với nhiều áp lực. Nếu như trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy. Niên vụ 2020-2021 dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Sóc Trăng cho biết, hiện tại, thực trạng vùng nguyên liệu sản xuất mía đường ở Sóc Trăng đang ngày càng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2017 là 8.400ha, đến năm 2020 chỉ còn khoảng 2.400ha, dự kiến năm 2021 còn dưới 2.000ha. Nguyên nhân khiến sản xuất thu hẹp bởi tình trạng hàng NK quá lớn, chưa kể hàng trăm nghìn tấn đường nhập lậu không thể thống kê được với giá rẻ hơn nhiều so với hàng trong nước nên doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh.
 |
Thu hoạch mía làm nguyên làm liệu sản xuất đường tại Thanh Hóa. Ảnh: MINH ĐỨC |
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, để “cứu” ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường. Đây là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía.
Tái cơ cấu để đủ sức "chạy đường dài"
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 11-2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại với các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có sản phẩm đường... Thực tế cho thấy, các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng đều đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước... Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết, trải qua gần 5 tháng điều tra nghiêm túc, tuân thủ đúng các quy định của WTO và pháp luật Việt Nam, Bộ Công Thương nhận thấy ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường NK được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019. Một loạt nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước. Theo đó, ngày 9-2-2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Mức thu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%. Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ NK đường tinh luyện, đường trắng sang NK đường thô để lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở mức cao hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, động thái này sẽ giúp nâng cao đáng kể sức cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam thời gian tới. Tuy nhiên, về lâu dài, để ngành mía đường có thể cạnh tranh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp mía đường phải đẩy mạnh tái cơ cấu, hướng tới mục tiêu cùng giảm giá thành, đầu tư thích đáng cho cải tiến công nghệ, nâng công suất để tối ưu hóa chi phí; nghiên cứu kỹ thuật canh tác; xây dựng các trung tâm giống, trung tâm nghiên cứu...
KHÁNH AN