Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp
Với vị thế là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, TP Hà Nội rất tích cực trong thực hiện hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Những năm qua, số DN thành lập mới giai đoạn 2016-2019 đạt kỷ lục với hơn 95.000 DN, chiếm 33% tổng số DN đăng ký thành lập mới từ năm 1992 đến nay, nâng tổng số DN của Hà Nội lên hơn 280.000 DN. Trên địa bàn thành phố hiện có 18 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 4 quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và 6 quỹ đầu tư quốc tế đặt văn phòng đại diện.
 |
Tìm hiểu về mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được trưng bày tại Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019. |
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Hưởng ứng tinh thần “Quốc gia khởi nghiệp” do Thủ tướng Chính phủ phát động, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn phát triển, như: Khai trương Cổng thông tin HST khởi nghiệp TP Hà Nội (startupcity.vn) với hơn 800 start-up tham gia. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND thông qua đề án và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu của đề án là đưa HST khởi nghiệp ĐMST của thành phố hội nhập được với HST khởi nghiệp của cả nước, khu vực và quốc tế. Đề án sẽ hỗ trợ hình thành 3-5 vườn ươm DN hoặc không gian khởi nghiệp chung trên địa bàn thành phố. Phấn đấu đến năm 2025, đề án hỗ trợ phát triển được 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 DN khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% DN gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của đề án dự kiến 312,92 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố và nguồn xã hội hóa.
Tại Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá Hà Nội là địa phương năng động, tích cực nhất trong tạo lập, phát triển môi trường khởi nghiệp ĐMST. Trước các chuyên gia trong nước, quốc tế và cộng đồng start-up, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: "Việc hoàn thiện HST khởi nghiệp ĐMST là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm tạo điều kiện tối đa cho các DN khởi nghiệp phát triển. Để làm tốt nhiệm vụ quan trọng này, Bộ KH&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tạo lập HST khởi nghiệp ĐMST. Trong đó, tập trung vào các chương trình hành động chính, như: Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghệ, trong đó có việc kêu gọi những chuyên gia công nghệ, trí thức người Việt trên khắp thế giới để cùng chung tay nâng cao năng lực khoa học-công nghệ và ĐMST Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT tiếp tục phát triển, mở rộng và thiết lập mạng lưới trí thức người Việt tại một số quốc gia; phát triển và xây dựng Quỹ Vietnam Global Innovation Fund để đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát huy tiềm lực, trí tuệ của người Việt trên toàn thế giới, hướng tới một thế hệ trẻ với nhiều khát vọng sáng tạo, quan tâm và đồng hành cùng thế giới".
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng hướng tới xây dựng HST hoàn chỉnh cho khởi nghiệp ĐMST. Bộ đang phối hợp với TP Hà Nội thúc đẩy tiến độ hình thành và xây dựng Trung tâm ĐMST Quốc gia theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích thế hệ trẻ phát triển tư duy sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học-công nghệ.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần được giải quyết nhu cầu về vốn
Theo các chuyên gia đánh giá, những chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp thời gian qua của Chính phủ và các địa phương rất thiết thực, đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các DN khởi nghiệp ở nước ta vẫn gặp một số khó khăn trong phát triển bền vững. Ông Lăng Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Viettonkin-DN có nhiều hoạt động tích cực trong tư vấn khởi nghiệp, chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, chia sẻ kiến thức, kỹ năng tích lũy trong thời gian dài kinh doanh tới các DN mới bắt đầu khởi nghiệp. Quá trình trao đổi, chúng tôi thấy rằng khó khăn được nhắc đến nhiều nhất của các DN mới khởi nghiệp ở nước ta hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn. Để có được những DN khởi nghiệp lớn mạnh, cần có thêm những chương trình, diễn đàn kết nối thiết thực hơn nữa để các DN này tiếp cận các nhà đầu tư”.
Chia sẻ góc nhìn về vấn đề trên, theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam: Thị trường vốn dành cho khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam còn rất tiềm năng. Theo thống kê của tổ chức Topica Founder Institute (TFI), tính đến tháng 10-2019, tổng số vốn đầu tư vào các DN, dự án khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam là hơn 500 triệu USD. Hiện đang có hơn 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, thiên thần trong và ngoài nước hoạt động ở Việt Nam; trong đó có một số quỹ thuộc các tập đoàn như: VinGroup, CMC, FPT… hoạt động khá tốt bên cạnh các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hải Minh, các start-up của Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn là do yêu cầu đặt ra của các quỹ đầu tư khá cao; trong khi khả năng và năng lực của những DN mới khởi nghiệp còn hạn chế, thiếu nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trong định hướng mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm, tuân thủ về mặt pháp lý, đăng ký bản quyền trí tuệ. Theo đó, Chính phủ cần hỗ trợ bằng cách khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư thiên thần, bởi chính họ là những người đồng hành, chia sẻ rủi ro, cũng như hỗ trợ về kinh nghiệm, năng lực chuyên môn cho start-up. Những nhà đầu tư thiên thần này sẽ đóng vai trò là nhà đầu tư cũng như chuyên gia cố vấn. Những cố vấn này sẽ có trách nhiệm hơn khi họ bỏ tiền ra đầu tư vốn cho các start-up. Việt Nam đang cần nhiều nhà đầu tư thiên thần như vậy hơn nữa để tạo ra mạng lưới kết nối các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực: Công nghệ, phân phối, logistics… Cộng đồng DN châu Âu có rất nhiều hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam thông qua việc hình thành những nhóm đầu tư, nhóm cố vấn cho các DN khởi nghiệp. Thời gian tới, EuroCham sẽ đóng vai trò kết nối, hình thành mạng lưới những nhà đầu tư Việt Nam và châu Âu để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam. Ông Nguyễn Hải Minh cho rằng: "Chính phủ cần có những ưu tiên khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vốn vào giai đoạn sớm của quá trình khởi nghiệp. Đây là khoản đầu tư có rủi ro cao nên có thể nghiên cứu việc tạo cơ chế ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư. Đồng thời, cần xem xét cắt giảm quy trình thực hiện thủ tục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào các start-up trong nước. Vì hiện nay, để đầu tư vốn vào một DN của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải trải qua quy trình đăng ký đầu tư mất rất nhiều thời gian và chi phí".
Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ - TRÀ MY