Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, trong hai tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 93 vụ TNGT, trong đó đường bộ xảy ra 90 vụ, đường sắt xảy ra 3 vụ, làm 40 người chết, 71 người bị thương. Tình trạng xe cơi nới, chở quá khổ, quá tải cơ bản được kiểm soát; các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm được phát hiện và xử lý nghiêm. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông. Do đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược, lâu dài, cần sự chung tay của mỗi cá nhân, gia đình, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị-xã hội. 

leftcenterrightdel
 Lực lượng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh: PHẠM HƯNG

Hiện nay, số lượng học sinh, sinh viên tham gia giao thông trên các tuyến đường tại TP Hà Nội rất lớn. Vì vậy, đây là một trong những đối tượng cần tập trung tuyên truyền về quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. "Những năm gần đây, nhà trường đã tích cực phối hợp cùng gia đình phổ biến các kiến thức cần thiết khi tham gia giao thông đến học sinh, từng bước thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi. Các con cũng được tham gia một số hoạt động ngoại khóa để có cái nhìn trực quan, trải nghiệm thực tế về tình huống giao thông”, chị Vũ Thu Hà, có con đang học lớp 5 tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chia sẻ.

Nhằm giảm thiểu TNGT trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trọng tâm của công tác tuyên truyền là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, đội ngũ lái xe ô tô kinh doanh vận tải, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên, người đi mô tô, xe máy, xe điện về quy định đã uống rượu, bia không lái xe; đội mũ bảo hiểm đúng quy định... Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự ATGT; kiểm tra, rà soát và xử lý hoạt động của xe dù, bến cóc, chợ tạm, chợ cóc họp trên hè, đường phố, mở đường ngang trái phép...

Song song với đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cần kết hợp chặt chẽ giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội. Việc làm này có thể thông qua hoạt động ngoại khóa của học sinh các trường học trên địa bàn Thủ đô với sự tham gia của phụ huynh và chính quyền địa phương. Cùng với đó, không chỉ lực lượng chức năng mà nhà trường và gia đình cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên không vi phạm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

NGUYỄN HỒNG ANH