Truyền thông hiện đại coi trọng tính tương tác hai chiều giữa chủ thể truyền thông và đối tượng công chúng của họ. Vì vậy, nếu sử dụng mạng xã hội mà không lắng nghe, đón nhận phản hồi thì tác động tiêu cực là khó tránh khỏi. Nếu những phản hồi, nhận xét, bình luận của thanh niên không được tổ chức Đoàn lắng nghe và giải quyết thì sử dụng mạng xã hội ít tác dụng.

Bức ảnh "Niềm vui tình nguyện" được các bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội, hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Ảnh: facebook

Thời gian qua, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn từ Trung ương đến cơ sở củng cố và hoàn thiện hệ thống các trang mạng xã hội, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, triển khai các chương trình hoạt động, thu hút và tập hợp thanh thiếu niên, đồng thời chủ động thiết lập hệ thống phục vụ đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái thù địch trên không gian mạng. Theo đó, các cơ sở đoàn trong cả nước đã xây dựng trang mạng xã hội (facebook) riêng. Trung ương Đoàn và các tỉnh đoàn, thành đoàn đã xây dựng và tổ chức hoạt động các trang thông tin (Fanpage) phục vụ tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống và các chuyên trang phục vụ đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Trung ương Đoàn cũng chủ động kết nối xây dựng mối quan hệ hợp tác với nhiều trang (Fanpage), nhóm (Group) trên mạng xã hội để tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp đấu tranh phản bác trên mạng xã hội. Gần đây nhất, Trung ương Đoàn đã triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội để lan tỏa những điều tích cực tới đông đảo thanh niên.

Các cấp bộ đoàn còn tăng cường xây dựng và sử dụng các sản phẩm truyền thông hiện đại để tuyên truyền về các thành tựu đổi mới của đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, các thành quả hoạt động của Đảng, Chính phủ và của tổ chức đoàn, nhằm chủ động phản bác lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc và vạch trần âm mưu kích động, bôi nhọ của các thế lực thù địch. Đó cũng được xem như công cụ để đoàn kết, tập hợp thanh niên phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng và Nhà nước đặt ra.

Từ kết quả thực tiễn của những hoạt động trên cho thấy, nếu tổ chức đoàn có phương pháp hiệu quả để tương tác với thanh niên trên mạng xã hội, thì tác dụng của mạng xã hội trong giáo dục thanh niên là rất lớn.

NGUYỄN HẢI ĐÔNG