Với sứ mệnh “Vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp” và mong muốn lan tỏa tình yêu môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ thiên nhiên, động vật... đến tất cả mọi người, sau gần 5 năm hoạt động, tổ chức “Xanh Việt Nam” đã phát triển với quy mô tại 63 tỉnh, thành phố, hơn 10 đầu cầu quốc tế (Malaysia, Indonesia, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...). Từ khi thành lập đến nay, “Xanh Việt Nam” đã tổ chức được 4 chiến dịch lớn mang tên Clean Up (tạm dịch dọn sạch) và hàng trăm chương trình lớn nhỏ, đã và đang bắt đầu tạo nên “thương hiệu” của “Xanh Việt Nam”.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trò chuyện với Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 2001 tại Tây Ninh, hiện đang là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Tài chính-Marketing, TP Hồ Chí Minh), thủ lĩnh của tổ chức “Xanh Việt Nam” để hiểu hơn về cách thức quản lý hoạt động; những thuận lợi và khó khăn trong hành trình lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường của Xanh Việt Nam đến cộng đồng.

- Phóng viên (PV): Điều gì truyền cảm hứng cho Thảo cũng như đội ngũ "Xanh Việt Nam" bắt đầu và duy trì các hoạt động tình nguyện nhặt rác bảo vệ môi trường?

- Trần Thị Ngọc Thảo: Tổ chức "Xanh Việt Nam" là một tổ chức phi lợi nhuận và sứ mệnh của chúng mình là “Vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp”, chung tay với mọi người bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và giữ gìn thiên nhiên bằng những hành động nhỏ bé nhưng thiết thực là đi nhặt rác. 

Điều truyền cảm hứng nhất với tổ chức tại thời điểm hiện tại có lẽ là những thành tựu mà chúng mình đạt được. Ban đầu tổ chức mới thành lập chỉ có vài chục người thôi, nhưng đến hiện tại chúng mình đã có hơn 30.000 tình nguyện viên trong và ngoài nước. Như chiến dịch “Clean Up” vừa rồi có hơn 100 điểm cầu nhặt rác, cùng ra quân chung một ngày. Với quy mô và sức lan tỏa như vậy thì chúng mình thấy đây là động lực lớn nhất, nguồn cảm hứng để mình nhận ra rằng ý thức bảo vệ môi trường đang ngày càng được nâng cao.  

Trần Thị Ngọc Thảo hiện là sinh viên năm cuối Trường Đại học Tài chính - Marketing tại TP Hồ Chí Minh.

- PV: Ngoài nhặt rác thì tổ chức có những hoạt động khác không?

- Trần Thị Ngọc Thảo: Ngoài hoạt động lớn nhất của "Xanh Việt Nam" là nhặt rác ra thì chúng mình còn có một số chương trình như: “Đổi rác lấy cây” hay gây quỹ cho chiến dịch “Trung thu biên giới”. Đây là chiến dịch đi đến những vùng quê khó khăn để tổ chức Trung thu và phát quà tặng các em bé ở đó. Hoạt động lớn hơn nữa là chúng mình đến các trường học để thuyết giảng, lan tỏa tình yêu môi trường tới giới trẻ, giúp các bạn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Hiện tại thì chúng mình đã tiếp cận được hơn 10.000 bạn trẻ ở các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

- PV: "Xanh Việt Nam" thường tìm kiếm những địa điểm nhặt rác hay các hoạt động môi trường ở các tỉnh, thành phố như thế nào? 

- Trần Thị Ngọc Thảo: "Xanh Việt Nam" có các nhóm cộng đồng và nhóm zalo riêng cho 63 tỉnh, thành phố khác nhau. Mỗi khi có chiến dịch mới diễn ra, chúng mình lại gửi vào từng nhóm link khảo sát mọi người ở khu vực sống xung quanh có địa điểm nào cần nhặt rác. Tuy nhiên, hiện nay "Xanh Việt Nam" cũng đã được nhiều cơ quan, địa phương biết đến nên họ đã chủ động liên hệ và hợp tác với chúng mình để dọn sạch rác thải cũng như truyền cảm hứng lối sống xanh đến người dân địa phương. 

 Tổ chức cộng đồng "Xanh Việt Nam" thành lập năm 2019 với sứ mệnh “Vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp”.

- PV: Hiện tại tổ chức "Xanh Việt Nam" có mặt ở cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thảo có thể cho biết điều đó có gây ra khó khăn gì trong quá trình quản lý hay hoạt động của "Xanh Việt Nam" không?

- Trần Thị Ngọc Thảo: Vì "Xanh Việt Nam" có một mạng lưới khá lớn lên đến hàng chục nghìn người nên chúng mình có một nhóm chung các bạn leader (thủ lĩnh) ở từng khu vực. Mỗi tháng đều sẽ có những cuộc họp giao lưu và hỏi thăm khó khăn cho từng khu vực. Tuy nhiên vì các bạn ở khá xa, lực lượng nòng cốt chúng mình không đến tận nơi hỗ trợ các bạn được nên nhiều bạn leader chưa có tầm ảnh hưởng lớn, do đó chưa kêu gọi được nhiều tình nguyện viên. Đôi khi các bạn tình nguyện viên mới thấy nhân sự ít thì họ cũng dễ mất hứng vì không có người truyền lửa. Vậy nên chúng mình luôn cố gắng đốc thúc, giao lưu với các bạn leader, đặc biệt là những bạn ở những khu vực có ít tình nguyện viên. 

Chúng mình cũng rất tiếc khi không thể quan tâm và chăm sóc các bạn tình nguyện viên ở những khu vực khác một cách đồng đều. Ngoài ra chúng mình còn gặp khó khăn trong việc đăng ký tình nguyện viên cho từng chiến dịch. Khi tạo ra 63 đường link cho 63 tỉnh, thành phố thì có bạn biết đăng ký, có bạn không, vậy nên chúng mình khá vất vả trong việc sàng lọc thông tin, đôi khi cũng bỏ lỡ rất nhiều tình nguyện viên vì các bạn không đăng ký tham gia được. 

 “Xanh Việt Nam” triển khai chiến dịch “Đổi rác lấy quà”.

Để duy trì, quản lý tất cả 63 tỉnh, thành phố chúng mình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi một chiến dịch diễn ra như vậy thì chúng mình, trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh phải đặt bao tay, kẹp gắp gửi về cho các tỉnh, thành phố mỗi lần hàng chục nghìn cái để đảm bảo mức độ an toàn cho các bạn trong quá trình làm việc. Ngoài ra, chúng mình cũng gửi quà về cho các bạn leader, quà tuy bé thôi nhưng cho thấy tình cảm của tổ chức dành cho các bạn. 

Bên cạnh đó, chúng mình cũng đang dự định đặt một trụ sở riêng của "Xanh Việt Nam" để các bạn hoạt động chung một địa điểm. Còn về nhân sự thì lực lượng nòng cốt của chúng mình chỉ có 12 người thôi nhưng mỗi lần có chiến dịch thì chúng mình sẽ cần có nhân sự để chăm sóc leader tại 63 tỉnh, thành phố, hỗ trợ các bạn tình nguyện viên ra quân. Bên cạnh đó chúng mình còn có đội ngũ truyền thông, đối ngoại, hậu cần để hỗ trợ chuẩn bị cho chiến dịch. Vì vậy trước chiến dịch 2-3 tháng chúng mình sẽ phải tuyển thêm 30-40 nhân sự. 

- PV: Đã bao giờ bạn gặp phải những lời nhận xét tiêu cực như “làm chuyện bao đồng" chưa ạ? Và khi đó bạn có suy nghĩ như thế nào? 

- Trần Thị Ngọc Thảo: Rồi chứ! Đôi khi gia đình, bạn bè mình cũng nói rất nhiều. Mẹ mình hay nói: “Mình nhặt rồi thì ngày mai người ta cũng xả tiếp thôi”, “Không lo học hành mà cứ đi móc bọc”. Mới đầu nghe thì buồn chứ, nói không buồn thì là nói xạo. Nhưng mục tiêu của chúng mình trước giờ luôn là lan tỏa tình yêu môi trường đến với mọi người thông qua việc nhặt rác. Nhặt rác chỉ là bước khởi đầu cho ý thức bảo vệ môi trường thôi. Có một điểm đặc biệt tại "Xanh Việt Nam" là trang phục của tổ chức trong các chiến dịch luôn là áo cờ đỏ sao vàng với khăn rằn, đại diện cho người Việt Nam để đứng lên nhặt rác bảo vệ môi trường, bảo vệ nơi mình đang sống chứ không đại diện cho một tổ chức nào hết. 

“Xanh Việt Nam” thuyết giảng, truyền cảm hứng "Sống xanh dễ mà" tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các bạn học sinh. 

- PV: Người ta thường bảo "cho đi là nhận lại" không biết khi bạn cùng "Xanh Việt Nam" cho đi tình yêu nhiệt huyết và những hành động vì môi trường thì mọi người có nhận về được những giá trị gì không?

- Trần Thị Ngọc Thảo: Điều mình nhận được từ "Xanh Việt Nam" là không thể kể hết. Giá trị mà mình nhận lại khi hoạt động trong tổ chức là những giá trị phát triển từ bên trong con người, như gieo trong tâm mình một hạt mầm tử tế, yêu thương vậy. Mình ý thức được việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa, tập ăn chay thêm nhiều bữa. Tổ chức cũng phát triển cho mình rất nhiều kỹ năng và các mối quan hệ với mọi người. Sau khi tham gia "Xanh Việt Nam" thì mỗi người sẽ nhận được một vòng tay có dòng chữ “Việt Nam xanh, sạch, đẹp”. Lúc mà mình nhận được vòng tay thì cảm giác như mình đang mang một sứ mệnh phải bảo vệ và lan tỏa tình yêu môi trường đến tất cả mọi người.

- PV: Trong quãng thời gian đồng hành cùng tổ chức thì bạn có những kỷ niệm nào đáng nhớ không? 

- Trần Thị Ngọc Thảo: Mỗi chiến dịch chúng mình đều có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng mà đáng nhớ nhất có lẽ là chiến dịch "Clean Up" lần 4 vừa qua. Khác với những chiến dịch trước chỉ kêu gọi các nhà hảo tâm và các tình nguyện viên ủng hộ, đây là chiến dịch đầu tiên mà chúng mình có nhà tài trợ. Khi đang chuẩn bị cho chiến dịch, chúng mình bất ngờ nhận được email từ nhà tài trợ. Lúc đó cảm xúc như vỡ òa, mình chỉ làm thôi và người ta tự tìm đến, cảm giác như chúng mình đã gieo hạt thành công vậy. Thời điểm chuẩn bị cho chiến dịch thì nhóm nòng cốt của "Xanh Việt Nam" có hơn 20 người đều làm việc và thức đến 2-3 giờ sáng trong vòng hai tháng để chạy chiến dịch và hỗ trợ cho các đầu cầu. Trong số đó phần nhiều là sinh viên còn đi học, đi làm nên chỉ có thời gian buổi tối để dành cho "Xanh Việt Nam". Có nhiều bạn vì thế mà áp lực lắm, những giọt nước mắt đã rơi vì sự vất vả và cũng vì những xích mích khó tránh khỏi trong các hoạt động chung.

Có những buổi nhóm nòng cốt ngồi ăn cùng nhau, hơn 20 người quây quần bên bữa ăn chỉ có cơm trắng với mắm ruốc thôi nhưng cũng thấy ngon nữa. Chúng mình hay trêu nhau là “Tụi mình không có ngủ mà mệt quá thì ngất thôi”. Khó khăn, vất vả như thế nên cái ngày mà chiến dịch bắt đầu, khi nhìn thấy những bao tải đựng đầy rác, chúng mình ôm nhau khóc luôn. Khóc vì hạnh phúc, vì công sức bỏ ra trong hơn 60 ngày để đổi lấy một ngày diễn ra thành công một cách trọn vẹn. Cái cảm xúc đó khó diễn tả lắm. Đó chính là những khoảnh khắc mà mình thấy đáng giá, đáng nhớ nhất trong suốt hành trình dài này.

 Mỗi chiến dịch nhặt rác được diễn ra, "Xanh Việt Nam" đều gom về được hàng trăm bao rác.

- PV: Theo bạn, cộng đồng ngày nay nên hướng đến một lối sống và suy nghĩ như thế nào để bảo vệ môi trường sống không bị ô nhiễm?

Thông điệp của chúng mình là vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp. Chúng mình luôn nói với nhau là “Sống xanh dễ mà”, mình chỉ cần thay đổi một hành động nhỏ thôi nhưng đó cũng là hành động phi thường và thiết thực. Thay đổi từ bản thân mình ngay từ bây giờ thì tất cả mọi người xung quanh sẽ thay đổi theo. Cuộc đời thay đổi khi ta thay đổi mà!

- PV: Bạn có thể chia sẻ những dự định, mục tiêu sắp tới của "Xanh Việt Nam" trong năm 2023 không?

- Trần Thị Ngọc Thảo: Trong năm 2023 thì "Xanh Việt Nam" có mục tiêu và định hướng là “Giáo dục và Kết nối”. Đó là hai từ khóa mà năm nay tổ chức sẽ tập trung vào nhiều nhất. Giáo dục nghĩa là chúng mình sẽ tổ chức những buổi thuyết giảng ở các trường đại học, mục tiêu hiện tại là 20 trường đại học trên cả nước, đưa lối sống xanh và ý thức bảo vệ môi trường đến với các bạn trẻ.

Các thành viên Xanh Việt Nam luôn gắn bó với nhau như một gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kết nối nghĩa là trong năm nay, chúng mình sẽ kết nối nhiều hơn đến những tổ chức, cơ quan địa phương cũng như các nhà tài trợ, những người muốn bảo vệ môi trường để cùng chung tay lan tỏa một cách mạnh mẽ hơn lối sống xanh và ý thức bảo vệ môi trường.

Trong năm nay thì chúng mình vẫn chạy 2 chiến dịch nhặt rác lớn là chiến dịch “Clean Up lần 5” và “Clean Up lần 6” sẽ diễn ra vào tháng 6 và tháng 12, một chiến dịch “Trung thu biên giới” cho các bạn nhỏ khó khăn ở vùng cao. Trong thời gian tới, mình mong các bạn trong "Xanh Việt Nam" kết nối với bản thân để phát triển nhiều hơn, không chỉ các bạn leader mà các bạn hỗ trợ, tình nguyện viên cũng được phát triển bản thân khi tham gia "Xanh Việt Nam". 

- PV: Cảm ơn Ngọc Thảo vì những chia sẻ. Chúc bạn cùng tổ chức "Xanh Việt Nam" sẽ gặt hái được nhiều thành công trong năm 2023.

THÚY HIỀN - PHƯƠNG ANH (thực hiện)