Điều đó thể hiện ở thực trạng TP Hồ Chí Minh tập trung nhiều đầu mối, đơn vị sản xuất chế biến thực phẩm cung ứng cho nhu cầu của Thành phố và cả nước, phục vụ xuất khẩu; thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn, văn hóa ẩm thực đường phố và thói quen phổ biến mua thực phẩm ở các chợ tự phát, thông qua mạng xã hội không rõ nguồn gốc...

Nhằm nâng cao quản lý trong lĩnh vực ATTP, Thành phố đã giao cho các cơ quan quản lý ngành công thương, nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm đẩy nhanh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong thực hiện vai trò quản lý liên quan đến sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm lưu hành, phân phối, xuất khẩu.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: Sở ATTP TP Hồ Chí Minh

Với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm tốt nhất ATTP cho người dân, Sở ATTP TP Hồ Chí Minh đang triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào các đề án truy xuất nguồn gốc, đề án về thực phẩm an toàn, chuỗi cung ứng an toàn, giúp người dân có thể xác định được thực phẩm sạch, người dân đồng hành đẩy lùi thực phẩm bẩn...

Hơn nữa, trước thực trạng và xu hướng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, ngày càng phổ biến, Sở ATTP Thành phố đã yêu cầu các chủ cơ sở bán thực phẩm trên nền tảng internet phải làm thủ tục về quy trình sản xuất, vệ sinh, nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu và sản phẩm. Điều này vừa phục vụ công tác kiểm tra vừa giúp người dân yên tâm hơn khi mua hàng.

Nếu phát hiện vi phạm, Sở ATTP sẽ xử phạt, đề nghị cơ quan chức năng liên quan xử lý về các vi phạm liên quan đến thuế, vi phạm về thương mại, tiêu chuẩn ngành hàng... Sở ATTP Thành phố cũng đang đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm; ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong cấp đăng ký sản phẩm thực phẩm (nhận dạng, so sánh các sản phẩm cùng tên, cùng thành phần...), đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về ATTP trên các nền tảng số như: Website, diễn đàn trực tuyến, xây dựng đợt tuyên truyền trên mạng xã hội về các đợt cao điểm phòng, chống thực phẩm bẩn, biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP...

Đối với các chuỗi cung ứng an toàn, Sở ATTP Thành phố ký kết hợp tác với ngành chức năng các tỉnh, thành phố ở Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ trong xây dựng chuỗi cung ứng an toàn gắn với chuyển đổi số, trao đổi, chia sẻ thông tin nguồn gốc, quy trình sản xuất sản phẩm bảo đảm kịp thời, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về ATTP.

Với đặc thù đầu tàu kinh tế, quy mô dân số đông, đầu mối xuất khẩu lương thực, thực phẩm của phía Nam và cả nước, nhiều chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần sớm đẩy nhanh chuyển đổi số, đặc biệt là vận dụng tối đa cơ chế chính sách mới theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội để sớm hoàn thiện các phương thức quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thực phẩm phù hợp với thực tiễn, đặc thù, yêu cầu phát triển.

Chuyển đổi số cũng giúp quá trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm được thực hiện thuận lợi, giúp người tiêu dùng biết được chính xác nguồn gốc sản phẩm; qua đó góp phần minh bạch thông tin về nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi cung ứng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo được niềm tin với người tiêu dùng, nâng cao tính cạnh tranh, chất lượng sống tốt, tạo môi trường an toàn, tăng sức hút cho du lịch phát triển.

Việc giải quyết thủ tục hành chính mang lại lợi ích về thời gian, kinh phí cho doanh nghiệp, minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ. Chuyển đổi số cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước giảm việc lưu trữ hồ sơ, nhanh chóng truy xuất, kiểm tra dữ liệu chung trong quản lý chất lượng thực phẩm, bảo đảm ATTP trong cộng đồng.

NGUYỄN SƠN

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.