Thời gian qua, tại khu vực bờ hữu sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Ba Vì, TP Hà Nội xảy ra một loạt sự cố sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn phòng, chống thiên tai và đe dọa cuộc sống nhiều hộ dân quanh khu vực...
Do mưa lớn kéo dài khiến nền địa chất đê, bờ hữu sông Hồng tại khu vực thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì xuất hiện nhiều vị trí sạt lở dài khoảng 200m, chiều rộng cung sạt khoảng 5-15m. Nhiều điểm sạt lở cách công trình nhà ở của các hộ dân khoảng 2-2,5m, một số cây cối, hoa màu trong vườn bị cuốn trôi, gây xáo trộn cuộc sống của gần chục hộ dân trong thôn.
 |
Sạt lở tại bờ hữu sông Hồng ở thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì. |
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó trưởng thôn Trung Hà cho biết: “Hiện nay, thôn có 8 gia đình đang phải sống trong âu lo bởi tình trạng sạt lở đất diễn biến rất phức tạp. Mới đây, một phần bờ sông bị sạt lở khiến lòng dẫn chỉ còn cách sân của một hộ dân khoảng 0,5m. Nhiều gia đình đã phải sơ tán, ở nhờ người thân. Rất mong chính quyền sớm đưa ra các biện pháp khắc phục, gia cố điểm sạt lở để bà con ổn định cuộc sống”.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực sạt lở tại xã Thái Hòa nằm ở vị trí mỏm đất nhô ra bên bờ hữu sông Hồng. Dòng chảy sông Hồng sau khi qua mỏm đất này có xu hướng xoáy quẩn vào bờ sông, qua thời gian làm xói mòn dần chân bờ khiến cung sạt liên tục mở rộng trong thời gian ngắn.
Tình trạng sạt lở có xu hướng tăng nhanh, mở rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phòng, chống thiên tai, an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Nguyên nhân trực tiếp gây ra các sự cố nêu trên là do ảnh hưởng bởi các trận mưa lớn khiến nền địa chất đê, bờ sông yếu. Tuy nhiên, cũng còn một nguyên nhân khác là do tàu thuyền hút cát quá số lượng quy định.
Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, an toàn công trình đê điều, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Quang Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành rà soát, đánh giá nguy cơ các hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm, tổ chức sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống ven khu vực sạt lở nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng triển khai cắm biển chỉ dẫn, thông tin, cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm; rào chắn ngăn chặn không cho người dân vào khu vực sạt lở; thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở, sẵn sàng triển khai thực hiện phương án ứng phó sự cố ngay từ giờ đầu. Chúng tôi cũng đang đề xuất với cấp trên chấp thuận chủ trương bố trí kinh phí xây dựng công trình cấp bách xử lý sự cố, kè lại đê và điểm sạt lở để ổn định cuộc sống của người dân”.
Ông Nguyễn Giáp Đông, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì thông tin thêm: “Để khắc phục sự cố đê điều, sạt lở bờ sông, chúng tôi đã đề nghị các địa phương ngăn chặn tình trạng phương tiện quá tải trọng lưu thông trên mặt đê, đồng thời quản lý chặt hoạt động hút cát, tập kết cát sỏi, xây dựng công trình ngoài bờ, bãi sông”.
Theo Điều 4, Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển ban hành kèm Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 4-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ thì tình trạng đang diễn ra tại bờ hữu sông Hồng thuộc địa bàn huyện Ba Vì được đánh giá là sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần có giải pháp xử lý khẩn cấp.
Để bảo đảm an toàn công trình đê điều, tính mạng và tài sản của người dân sinh sống xung quanh, UBND huyện Ba Vì đã đề xuất UBND TP Hà Nội thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp nhằm hạn chế tình trạng sạt lở.
Không riêng tại huyện Ba Vì, hiện nay, tại một số tuyến đê trên địa bàn các huyện: Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, tình trạng sạt lở đê cũng diễn biến phức tạp. Vì vậy, các địa phương và cơ quan quản lý đê cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, có giải pháp xử lý triệt để. Trước mắt, cần bố trí lực lượng để phân luồng phương tiện lưu thông trên đê, không để người và phương tiện đi vào khu vực xảy ra sự cố...
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - THU THỦY