Trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập, tỉnh Hà Tĩnh có 2.837 thôn, xóm, tổ dân phố, trong đó có 1.025 đơn vị có quy mô dưới 100 hộ. Sau 5 năm thực hiện, tỉnh đã giảm được 722 thôn, xóm, tổ dân phố; giảm tỷ lệ quy mô đơn vị dưới 100 hộ dân từ 36,1% xuống còn 7,8%. Nhờ đó, Hà Tĩnh tạo được quy mô thôn, xóm, tổ dân phố lớn hơn, có đủ tổ chức đoàn thể, góp phần xóa chi bộ sinh hoạt “ghép”. Việc sáp nhập giúp Hà Tĩnh có điều kiện phát huy nội lực của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng; giảm được số lượng cán bộ, giảm chi phí ngân sách và là điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở chất lượng hơn.

 Sau khi sáp nhập, thôn Yên Hội (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) có nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. 

Tuy nhiên, hiện nay số lượng thôn, xóm, tổ dân phố có quy mô nhỏ còn nhiều. Ngoài ra, một số thôn, xóm, tổ dân phố có tính đặc thù, cùng với sự chỉ đạo chưa quyết liệt nên việc sáp nhập còn chậm. Khi mới sáp nhập, người dân chưa quen với sự thay đổi nên có sự lo lắng, băn khoăn về công tác quản lý địa bàn dân cư, bố trí cán bộ làm công tác ở thôn, xóm, tổ dân phố, giải pháp giúp người dân hoàn thành các thủ tục hành chính liên quan tới việc thay đổi chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Mặt khác, hiện nay việc giải quyết các vấn đề về thiết chế văn hóa sau sáp nhập cũng chưa có giải pháp triệt để.

Huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) là một trong những địa phương đi đầu trong công tác sáp nhập. Trước đây, huyện có 243 thôn, đến nay giảm được 88 thôn, hiện chỉ còn 8 thôn có quy mô dưới 100 hộ do địa hình miền núi và bị chia cắt chưa thể sáp nhập. Trước khi chưa sáp nhập, dân số ít nên các đoàn thể, như: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân... rất ít hội viên, hiệu quả hoạt động thấp. Thực hiện chủ trương sáp nhập cho thấy rất rõ hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, nhất là khả năng huy động nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Kết quả, nhờ thực hiện chủ trương sáp nhập nhiều thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tĩnh Hà Tĩnh đã hoàn thành 100% chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới; nhiều thôn, xóm, tổ dân phố trở thành khu dân cư kiểu mẫu của tỉnh. Ông Phạm Văn Hùng, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Yên Hội (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ) cho biết: “Sau sáp nhập có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn bất cập. Ví như, hiện thôn có hai nhà văn hóa nhưng lại trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” do sinh hoạt cộng đồng vẫn phải tập trung tại một điểm. Mặt khác, do dân số tăng nên diện tích nhà văn hóa cũ không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng”. Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, cử tri huyện Đức Thọ đề nghị tỉnh có giải pháp giúp cơ sở trong đấu giá đất các nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố "thừa" sau sáp nhập để có nguồn kinh phí phục vụ xây dựng nhà văn hóa mới. 

Về vấn đề trên, sau khi sáp nhập, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 600 nhà văn hóa thừa, hàng trăm nghìn mét vuông đất bỏ hoang. Nhiều địa phương muốn xử lý khối tài sản này như đấu giá, cho thuê... để tạo nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, nhưng hiện vướng thủ tục pháp lý nên chưa thể giải quyết. 

Chủ trương sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác này. Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh cần có biện pháp giải quyết hiệu quả, triệt để các vấn đề về thủ tục hành chính; xử lý cơ sở vật chất; sắp xếp, đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở để sau khi sáp nhập, tình hình kinh tế-xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được bảo đảm và nâng cao, chính quyền cơ sở phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý...

HOÀNG HOA LÊ