Còn đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì họ lại có các rừng thiêng, mó nước, hòn đá thiêng… Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn có các khu rừng thiêng như: Rừng thiêng Đông Quan, rừng thiêng Khe Lịm, rừng Thứ tỉ Khe Cày, Khe Chòi… được người dân bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của thôn (luật tục). Hằng năm, các hoạt động tâm linh như: Cúng rừng, Lễ hội Rừng thiêng Đông Quan... vẫn được tổ chức theo truyền thống của đồng bào dân tộc. Vai trò của già làng, thầy cúng rất quan trọng trong việc làm lễ, là cầu nối đưa nguyện vọng của dân bản tới các vị thần thiên nhiên để được phù hộ, che chở. Mỗi lễ cúng, lễ hội hằng nằm là dịp để các già làng tâm sự, truyền dạy, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn.

Ông Hà Văn Châu, Trưởng thôn Khe Váp, xã Bắc Lãng khẳng định: "Đối với cộng đồng người dân miền núi, rừng không chỉ gắn liền với đời sống vật chất mà còn là cuộc sống tinh thần, tâm linh. Cộng đồng người Tày ở thôn Khe Váp cũng vậy. Chúng tôi đang gìn giữ những khu rừng với những chức năng và giá trị rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần". Già làng Lã Ngọc Liên ở thôn Khe Váp bảo: Rừng Khe Váp là rừng thiêng, bảo vệ dân làng, không ai được chặt. Bao đời nay không ai được phát nương ở khu rừng này. Rừng Khe Váp là rừng của cộng đồng, để rừng xanh tươi, đẹp đẽ, mát mẻ, giữ được nguồn nước là bảo vệ được cuộc sống cho người dân nơi đây.

Với cộng đồng người Thái (ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cũng vậy, rừng gắn bó với cuộc sống và văn hóa tín ngưỡng của họ. Khu rừng thiêng được người Thái cho là nơi các vị thần trú ngụ và nơi an nghỉ cho người đã khuất (rừng ma, nghĩa địa). Ngoài ra, một số cây cổ thụ phân bố rải rác ở trong khu khác được người Thái cho là những cây thiêng và không chặt. Riêng với cây đa, bất kể lớn hay nhỏ đều được người dân coi là cây thiêng. Tất cả các bản người Thái đều có khu rừng thiêng, gần nơi có cây to và được xây miếu để làm nơi cúng các vị thần. Ở khu vực rừng thiêng, hằng năm cả bản tổ chức nghi lễ cúng thần rừng, thần đất, thần nước cầu cho cuộc sống mùa màng tươi tốt. Cũng vì là rừng thiêng mang ý nghĩa văn hóa tín ngưỡng nên được dân bản bảo vệ nghiêm ngặt. Lễ cúng các vị thần rừng thường được tổ chức vào Tết Nguyên đán. Lễ vật cúng gồm: Rượu, thịt lợn, cá, gà, xôi, bánh chưng… do các hộ dân trong bản đóng góp. Già làng là người tổ chức và điều hành nghi lễ cúng cùng với thầy cúng. Tất cả người dân trong bản đều được tham gia. Sau khi lễ cúng kết thúc, họ cùng ăn chung với nhau. Nghi lễ cúng rừng hằng năm là văn hóa lễ hội có ý nghĩa gắn kết cộng đồng trong bản và giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc.

Việc giao đất, giao rừng, đặc biệt là với rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn cho đồng bào dân tộc thiểu số mang nhiều ý nghĩa. Cộng đồng thôn, bản tham gia bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn cần được hưởng cơ chế, chính sách bảo vệ rừng như các chủ rừng khác. Việc giao rừng cho cộng đồng không những giúp công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn mà còn góp phần gìn giữ những nét bản sắc văn hóa vốn có của đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương.

NGHINH XUÂN