Thâu đêm quạt cho con ngủ

18 giờ ngày 8-9, cả TP Hạ Long đã chìm vào bóng tối, khi mây đen vẫn vần vũ trên bầu trời và hệ thống điện trên toàn địa bàn ngừng hoạt động. Không chịu được bóng tối và cái nóng hầm hập trong nhà, anh Trần Vũ Hưng (sinh năm 1995, trú tại tổ 5, khu 9A, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) cùng vợ đưa cậu con trai ra vỉa hè trước nhà ngồi hóng mát. Sinh ra và lớn lên ở Hạ Long, lần đầu tiên, anh Hưng chứng kiến cảnh mất điện, mất sóng điện thoại, mất internet trên diện rộng như vậy.

Cầm trên tay chiếc quạt giấy, khẽ phe phẩy làm mát cho cậu con trai đang ngoan ngoãn trong vòng tay của mẹ, anh Hưng nói: "Bão lớn như vậy, cột điện đổ, dây điện đứt, trạm điện gặp sự cố khắp nơi, nên mất điện là bình thường. Chỉ khổ cho tụi nhỏ như con em nóng quá nên trằn trọc mãi không ngủ được. Cả đêm hôm trước, ngoài trời mưa bão, gió rít từng cơn. Trong nhà, vợ chồng em phải thức trắng đêm, thay nhau quạt cho con ngủ...".

leftcenterrightdel

Viettel cung cấp nhiều nơi sạc pin miễn phí và có sóng viễn thông phục vụ nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: CHIẾN THẮNG 

Đêm 9-9, điện lưới của Quảng Ninh vẫn chưa được khôi phục. Gia đình anh Hưng sẽ tiếp tục phải trải qua đêm thứ ba không có điện, đêm thứ ba thức trắng quạt cho con ngủ...

Gia đình anh Hưng mở cửa hàng kinh doanh cà phê, nước giải khát. Không có điện, người dân nơi đây lo 3 bữa ăn trong ngày cho gia đình đã đủ khó khăn, chưa kể phải lo khắc phục hậu quả của cơn bão, nên ít người còn thời gian thảnh thơi đi thưởng thức cà phê như mọi khi. Công việc kinh doanh của anh bị đình trệ hoàn toàn.

Bên phải nhà anh Hưng là nơi chị Bùi Thị Tuyết (sinh năm 1994) quản lý cửa hàng kinh doanh kem và khách sạn. Cơn bão quét qua làm tốc mái tôn, thổi bay téc nước của gia đình trên sân thượng. Công việc kinh doanh của gia đình hoàn toàn bị đình trệ bởi không có điện. Mấy tủ kem đều đã chảy nước, hỏng cả.

Chúng tôi tới nhà bà Trịnh Thị Tạp (sinh năm 1956). Trước cửa nhà bà Tạp bày vài chiếc ghế nhựa nhỏ, phục vụ bà con lối xóm sang hóng mát, nói chuyện cho mau qua thời gian buổi tối. Bà Tạp và mấy bà hàng xóm cùng than thở rằng, mất điện, ở nhà không nấu nướng gì được, lại ít có hàng quán ăn uống mở cửa, nên nhà nào cũng chỉ ăn bánh mì, lương khô cho qua bữa. Ngay nước tắm cũng không có, bởi mất điện thì cũng không thể bơm được nước.

Mất điện, sinh hoạt của người dân đã gặp nhiều khó khăn, việc khắc phục hậu quả bão, khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Chiều 8-9, khi trực tiếp về thị sát địa bàn, nắm tình hình và chỉ đạo việc khắc phục hậu quả bão số 3 tại Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm tới vấn đề sớm cung cấp điện trở lại cho bà con. Lãnh đạo Điện lực Quảng Ninh đã hứa với Thủ tướng sẽ tập trung khắc phục, cung cấp điện trở lại sớm nhất có thể.

Nỗ lực cứu sóng viễn thông

Cùng với điện, tình trạng mất sóng điện thoại, sóng 4G và mạng internet cáp quang cũng khiến người dân đất mỏ và người thân của họ ở khắp nơi nhốn nháo mấy ngày qua. Nhiều người ở nơi khác gọi điện, nhắn tin hỏi thăm người thân ở vùng bão Quảng Ninh đều không thể liên lạc được, nên nỗi lo bủa vây không khí rất nhiều gia đình. Công việc kinh doanh của nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề do không thể liên lạc được với đối tác, khách hàng.

Thấu hiểu điều đó, các doanh nghiệp viễn thông đã có nhiều sáng kiến trợ giúp người dân. Viettel chi nhánh Quảng Ninh mở rất nhiều điểm phát điện phục vụ nhân dân tới sạc điện thoại, máy tính và tiếp cận sóng điện thoại, sóng 4G.

Trưa 9-9, hòa trong đám đông đang đứng, ngồi ở sảnh tòa nhà Viettel chi nhánh Quảng Ninh (đường Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long), chị Lưu Thị Hải Ly (sinh năm 2003) vừa cắm sạc điện thoại, vừa tranh thủ gọi điện cho người thân thông báo mình vẫn an toàn.

"Nhà em ở Cột 5 (cách gọi địa danh của người dân địa phương, thuộc địa phận phường Hồng Hà, TP Hạ Long), cách đây hơn 2 cây số. Từ hôm bão về đến giờ, mất sóng điện thoại, em không thể liên lạc với ai. Hôm nay biết ở đây Viettel cung cấp dịch vụ sạc điện miễn phí cho người dân và có sóng điện thoại nên em vội chạy lên đây để liên lạc", chị Ly kể.

Bên cạnh việc chạy máy phát điện cung cấp điện sạc pin, điện vận hành trạm phát sóng điện thoại cho người dân tại nhiều điểm giao dịch, Viettel chi nhánh Quảng Ninh cũng đang dùng 900 máy phát cung cấp điện duy trì hoạt động cho 900 trạm phát sóng. "Chúng tôi đã huy động lực lượng ra "ém" quân tại Quảng Ninh từ trước khi bão đến để sẵn sàng lực lượng ứng phó sự cố. Hơn 600 nhân viên từ miền Nam và miền Trung đã được điều động ra Quảng Ninh. Chúng tôi cũng đang điều động thêm hơn 100 máy phát điện từ miền Trung và miền Nam ra để tăng viện cho Quảng Ninh", anh Nguyễn Hữu Đắc, người phụ trách vận hành mạng lưới Viettel tại Quảng Ninh cho biết.

Song song với đó, Viettel chi nhánh Quảng Ninh cũng đang chạy đua với thời gian để sửa chữa, khắc phục những điểm cáp bị đứt. Chúng tôi theo anh Nguyễn Quang Huấn, nhân viên kỹ thuật nhà trạm, Chi nhánh công trình Viettel Hà Nội, đi dò tìm điểm cáp đứt trên thực địa theo vị trí báo trên hệ thống điện tử để khắc phục. Đó là vị trí trên đỉnh một ngọn đồi cao thuộc phường Hà Phong, TP Hạ Long. Đường lên trạm phát sóng ở đó rất khó khăn, độ dốc lớn, nhiều rêu xanh trơn trượt. Dưới chân cột phát sóng nơi đây, hàng loạt cây lớn bị bão vặn ngang thân, đổ la liệt. Trên một trong những lùm cây bị gãy, một tổ ong vò vẽ lớn còn dính trên cành, ong lượn vè vè trên đầu, ngay phía trên cửa trạm. Anh Huấn phải rất cẩn thận di chuyển, tránh đánh động đàn ong, rồi rà soát từng điểm đấu nối để tìm ra điểm có sự cố.

"Tôi từ Hà Nội tăng cường lên đây từ ngày 5-9. Khi bão đổ vào Hà Nội, tôi cũng rất nóng ruột, lo cho vợ và con nhỏ ở nhà. Nhưng vì nhiệm vụ nên tôi vẫn cố gắng vượt qua nỗi lo lắng riêng tư, bám trụ ở đây để khắc phục sự cố do bão gây ra cho các trạm viễn thông của Viettel, cung cấp dịch vụ trở lại cho nhân dân", anh Huấn nói.

Theo đồng chí Đào Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) thì Viettel luôn chuẩn bị rất kỹ trước mỗi cơn bão. Trước khi bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh, Viettel đã đưa 6.500 nhân viên về "ém" tại các địa phương, sẵn sàng cơ động khắc phục sự cố. "Cơn bão lần này là siêu bão nên mức độ tàn phá với mạng lưới viễn thông của tất cả nhà mạng nói chung, Viettel nói riêng rất lớn. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, chúng tôi đặt mục tiêu sau 3 ngày, toàn bộ hạ tầng mạng lưới di động của Viettel sẽ được khôi phục. Sau 1 tuần đến 10 ngày thì toàn bộ hạ tầng cố định băng rộng sẽ được khôi phục để phục vụ khách hàng", đồng chí Đào Xuân Vũ nói đầy quyết tâm.

Người dân Quảng Ninh đang mong mỏi từng giờ để được cung cấp trở lại điện, sóng điện thoại, internet một cách ổn định. Điện lực Quảng Ninh và các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực từng phút để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 đối với hạ tầng, sớm cung cấp dịch vụ trở lại cho nhân dân.

CHIẾN THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.