Những việc làm đó không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh mà còn khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến xung quanh nội dung này.

Ông ĐOÀN VĂN KIỆN, Phó giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Ninh Bình):

Trách nhiệm, tri ân và niềm tự hào

Được thành lập từ năm 1957, hiện nay, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên đang quản lý, điều trị, nuôi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách cho 52 thương binh, bệnh binh. Phần lớn các bác bị tổn thương cột sống, nhiều người liệt hoàn toàn, mọi sinh hoạt đều phải có người hỗ trợ. Tuổi cao, kèm theo nhiều bệnh nền khiến sức khỏe của các bác ngày càng yếu. Công việc nhiều, yêu cầu cao, trong khi đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm chỉ có một bác sĩ và 12 điều dưỡng kiêm hộ lý. Không chỉ chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm, mà mỗi khi có bác phải chuyển tuyến điều trị, chúng tôi đều cử người đi cùng. Có những đợt 5-6 bác cùng nhập viện, Trung tâm gần như quá tải. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn động viên nhau cố gắng, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi chăm sóc thương binh, bệnh binh với mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm không đơn thuần là nhiệm vụ mà còn là tấm lòng tri ân của chúng tôi đối với những người có công với cách mạng, với Tổ quốc.

 Điều dưỡng viên Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên thăm khám cho thương binh. Ảnh: VÂN HÀ

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân, đoàn thể, những năm gần đây, Trung tâm đã có nhiều đổi thay tích cực. Mỗi dịp 27-7, ngày lễ, tết hay ngày truyền thống, nhiều cơ quan, đơn vị đến thăm hỏi, động viên. Năm 2023, Trung tâm được sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng ở đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ, khuôn viên rộng và thoáng hơn, cuộc sống vật chất và tinh thần của các bác thương binh, bệnh binh cũng được cải thiện rõ rệt. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng chăm sóc các bác bằng tất cả tấm lòng. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là Trung tâm có thêm nhân lực và trang thiết bị y tế để việc điều trị, chăm sóc sức khỏe các bác được thuận lợi và hiệu quả hơn. 

Thượng tá CHẾ NGỌC HÀ, Đội trưởng Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ (Bộ CHQS tỉnh Nghệ An):

Đưa các anh về đất mẹ là nhiệm vụ thiêng liêng

Được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng, phối hợp với nước bạn Lào tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên địa bàn 3 tỉnh: Xiangkhoang, Vientiane và Xaysomboun (Lào), chúng tôi xác định đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sự tri ân với thế hệ đi trước. Thực tế khi triển khai nhiệm vụ, Đội gặp không ít khó khăn. Các phần mộ liệt sĩ còn lại thường phân tán ở vùng sâu, vùng xa, núi cao, rừng rậm, nhiều nơi còn bom, mìn sót lại sau chiến tranh. Thời gian đã làm thay đổi địa hình, nhiều dấu tích, địa điểm chôn cất không còn nguyên trạng. Một số khu vực còn có các tổ chức phản động chống phá, trong khi đời sống người dân Lào ở những địa bàn ấy còn rất khó khăn. Giao thông hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, nhiều thời điểm các bộ phận phải hoạt động độc lập, xa sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chỉ huy đơn vị.

Trước muôn vàn thử thách, mỗi cán bộ trong Đội vẫn vững vàng, kiên cường, luôn tâm niệm “phải đưa được các anh về với đất mẹ”. Bên cạnh nhiệm vụ chính, chúng tôi còn thực hiện tốt phương châm 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Lào) với bà con để lấy được thông tin chính xác, kịp thời, hiểu dân, hiểu địa bàn. Nhờ đó, từ mùa khô 2020-2021 đến nay, toàn Đội đã tiến hành khảo sát, tìm kiếm, cất bốc được 457 hài cốt liệt sĩ, riêng mùa khô năm 2024-2025, Đội quy tập được 76 hài cốt liệt sĩ.

 Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ (Bộ CHQS tỉnh Nghệ An) tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trên địa bàn tỉnh Xaysomboun, Lào. Ảnh do đơn vị cung cấp

Anh NGUYỄN QUỐC ANH, nhóm phục dựng ảnh liệt sĩ Skyline:

Hành trình phục dựng ký ức, kết nối quá khứ và hiện tại

Nhóm phục dựng ảnh Skyline được thành lập năm 2023 với mong muốn đưa hình ảnh các liệt sĩ trở về với gia đình, với cộng đồng, qua từng bức ảnh được phục hồi tỉ mỉ. Quá trình phục dựng những bức hình liệt sĩ không đơn thuần là thao tác kỹ thuật mà là hành trình kiên trì tìm lại ký ức giữa thời gian và mất mát. Phần lớn ảnh gốc được gửi đến cho chúng tôi đều đã cũ, mờ, ố màu, mất nét; có bức chỉ là phác thảo mờ nhạt dựa theo trí nhớ của người thân. Điều đó khiến việc phục chế đòi hỏi không chỉ kỹ năng chuyên môn mà còn là sự thấu cảm và nhẫn nại. Các thành viên trong nhóm phải vừa mày mò chỉnh sửa, vừa trò chuyện, trao đổi chi tiết với gia đình liệt sĩ để hiểu rõ hơn diện mạo, đặc điểm của người đã khuất. Nhiều trường hợp, chúng tôi còn dựa vào ảnh người thân để “tái hiện ngược” khuôn mặt một cách chính xác và tự nhiên nhất.

Ngày càng nhiều gia đình liệt sĩ liên hệ với nhóm để tái hiện những người con đã đi vào lịch sử dân tộc, xoa dịu phần nào mất mát của thân nhân. Do vậy, các thành viên trong nhóm thường xuyên làm việc xuyên đêm để kịp gửi ảnh cho các gia đình liệt sĩ. Chúng tôi hiểu rằng, đây không chỉ là một bức chân dung mà là tài sản vô giá, nơi lưu giữ hình ảnh của người cha, người anh, người con đã nằm lại nơi chiến trường. Tính đến nay, khoảng 8.000 bức ảnh đã được chúng tôi phục dựng và trao tặng trên khắp cả nước. Nhiều gia đình lần đầu tiên được thấy gương mặt thân nhân, sau hàng chục năm chỉ có thể tưởng tượng qua lời kể. Những giọt nước mắt xúc động, lời cảm ơn nghẹn ngào từ người thân liệt sĩ chính là động lực lớn nhất để các thành viên trong nhóm tiếp tục hành trình của mình.

Đại tá NGÔ DOANH, Trưởng ban liên lạc cựu Quân tình nguyện, Trung đoàn 335 (Sư đoàn 324, Quân khu 4):

Giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình

Nhiều năm qua, với vai trò Trưởng ban liên lạc cựu Quân tình nguyện Trung đoàn 335, tôi cùng anh em luôn tích cực duy trì mối liên hệ với đồng đội, tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, chia sẻ và động viên nhau trong cuộc sống. Đối với chúng tôi, trở về sau chiến tranh là một may mắn. Vì vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Chúng tôi thường xuyên động viên, nhắc nhở nhau phải luôn gương mẫu, chấp hành nghiêm pháp luật, không để ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và đơn vị. Việc giữ gìn đạo đức, kỷ cương và bản lĩnh chính trị của mỗi cựu chiến binh không chỉ là trách nhiệm trước sự hy sinh, mất mát của đồng đội, của cha anh mà còn là cách để thế hệ trẻ tin tưởng, noi theo.

Bên cạnh việc kết nối tình đồng chí, Ban liên lạc cũng chú trọng công tác hỗ trợ, chăm lo cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và các gia đình đồng đội gặp khó khăn. Chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách cụ thể các hộ gia đình chính sách khó khăn, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, tặng vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Đối với những đồng chí đã hy sinh, chúng tôi phối hợp cùng cơ quan chức năng và gia đình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và đón các anh về quê hương, tổ chức an táng chu đáo. Ngoài ra, Ban liên lạc còn tổ chức các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, thắp hương, tưởng niệm các đồng đội hy sinh tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào (tỉnh Nghệ An). 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.