Khai thác tối đa lợi ích công nghệ

Chiều ở làng quê xã Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), trong căn phòng nhỏ của ông Lê Hữu Lợi, ánh sáng từ màn hình điện thoại chiếu lên khuôn mặt khắc khổ nhưng đầy quyết tâm của người đàn ông ngoài 70 tuổi. Ông đang tập bấm những dòng chữ đầu tiên trên điện thoại, tay run run nhưng ánh mắt sáng ngời. "Cô giáo ơi, răng mà chữ cứ chạy lung tung rứa!", ông Lợi hỏi rồi bật cười khi thấy mình gõ sai.

Người mà ông gọi là "cô giáo" chính là chị Nguyễn Thị Hoài Thương, Phó bí thư Đoàn xã Việt Tiến, cũng là thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng của xã. Chị Thương kiên nhẫn hướng dẫn ông Lợi từng thao tác, từ cách gõ tin nhắn đến tìm kiếm thông tin trên internet, quét mã QR. Ông Lê Hữu Lợi chăm chú theo dõi màn hình điện thoại, đôi mắt nheo lại vì chưa quen với ánh sáng xanh. "Cô giáo chỉ lại cho ông cách mở Zalo với. Ông muốn gọi cho con gái ở trong Nam mà quên mất rồi", ông Lợi nói, giọng đầy mong mỏi.

Chị Thương mỉm cười, kiên nhẫn hướng dẫn từng bước. Sau một số lần thao tác, thực hành trên điện thoại, ông Lợi đã có thể gọi video cho con gái. Trời dần tối, ông Lợi tạm dừng buổi học, nhìn dòng chữ: "Con ăn cơm chưa?" do chính tay ông vừa nhắn cho cô con gái xa quê mà lòng rưng rưng. Chuyển đổi số không chỉ là học cách dùng điện thoại hay internet mà còn là kết nối yêu thương, xóa nhòa khoảng cách, mở ra một thế giới mới đầy cơ hội và hy vọng.

Đoàn viên, thanh niên xã Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh) hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số. 

Không chỉ giúp người dân tiếp cận công nghệ, Phong trào "Bình dân học vụ số" còn mang đến những thay đổi tích cực cho đời sống kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh.

Bà Nguyễn Thị Thúy, một tiểu thương sản xuất đặc sản bánh tráng, kẹo cu đơ ở xã Việt Tiến, giờ đã biết cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. "Trước đây, tôi chỉ quen bán hàng ngoài chợ hoặc ai đến nhà mua thì bán. Nhờ mọi người chỉ, tôi đăng ảnh lên Facebook, TikTok, tài khoản Shopee... vì thế, khách hàng khắp nơi đặt hàng, bán chạy hơn hẳn!", bà Thúy hào hứng chia sẻ. Nhờ Phong trào "Bình dân học vụ số" đang được triển khai rầm rộ ở Hà Tĩnh, ông Lợi, bà Thúy cùng nhiều bà con ở xã Việt Tiến đã có cơ hội tiếp cận với thế giới công nghệ, thứ mà trước đây họ vẫn nghĩ dành cho giới trẻ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, 100% xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn, xóm tại Hà Tĩnh đã thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các tổ chuyển đổi số cộng đồng trực tiếp tổ chức hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng nền tảng số, dịch vụ số, thực hiện các giao dịch. Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đăng tải lên sàn thương mại điện tử; 100% doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử; gần 600 sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.

Hướng tới xã hội số

Để có thể “xóa mù công nghệ số” cho người dân, hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh Hà Tĩnh cũng được đầu tư mạnh mẽ với hơn 21.000km cáp quang nội tỉnh, 3.250 trạm BTS phủ sóng 99% khu vực dân cư, bảo đảm kết nối internet ổn định. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số”, chỉ đạo các địa phương, các cấp, các ngành triển khai phong trào phù hợp nhằm phổ cập chuyển đổi số toàn dân, gắn với phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, chia sẻ kiến thức về chuyển đổi số. Các sở, ngành liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giáo dục, đào tạo, quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh.

Trong lễ phát động Tháng Thanh niên năm 2025, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số”. Theo đó, cán bộ, đoàn viên, thanh niên tại các tổ chức đoàn tiến hành tuyên truyền, hỗ trợ phổ cập cho người dân và thanh thiếu nhi các kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Đoàn viên, thanh niên trong các đội hình “Bình dân học vụ số” hướng dẫn, phổ cập cho người dân sử dụng máy tính, các thiết bị thông minh, mạng xã hội, dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; hướng dẫn người dân truy cập internet và các kỹ năng số thiết yếu một cách văn minh, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin ở mức cơ bản, tránh lừa đảo số; nhận diện và phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số...

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai phát động Phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, quan tâm lựa chọn và đưa nội dung chuyển đổi số vào chương trình giảng dạy, các hoạt động ngoại khóa ở các cấp học, bậc học. Các cơ sở giáo dục và đào tạo tổ chức nhiều hoạt động như: Mở lớp học, tập huấn, hội thảo, diễn đàn, giao lưu... với nội dung, hình thức phong phú, linh hoạt, thiết thực liên quan đến chuyển đổi số; đặc biệt là các chủ đề thiết thực. 

Mới đây, Trường Đại học Hà Tĩnh vừa tổ chức buổi tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy với sự tham gia của đông đảo giảng viên đại học và giáo viên khối phổ thông. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Ái (Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh): Khi công nghệ được tích hợp hợp lý, nó không chỉ nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn kích thích tư duy sáng tạo của người học, giúp họ chủ động tiếp cận tri thức và phát triển kỹ năng tự học.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà công nghệ số mang lại, Tiến sĩ Nguyễn Văn Loan (Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh) đã chỉ ra những mặt trái của việc lạm dụng công nghệ trong giảng dạy. Ông cảnh báo rằng nếu phụ thuộc quá mức vào công nghệ, điều này có thể làm mất sự sắc bén trong xử lý các tình huống sư phạm; làm suy yếu khả năng tư duy độc lập của học sinh và khó hình thành năng lực thẩm mỹ. Vì vậy, ông đề xuất các phương pháp sử dụng công nghệ thông tin một cách hợp lý, bảo đảm để công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không phải là yếu tố thay thế hoàn toàn phương pháp giảng dạy truyền thống và những giáo viên tuyệt vời.

Phong trào "Bình dân học vụ số" tại Hà Tĩnh không chỉ dừng lại ở việc giúp người dân biết sử dụng điện thoại thông minh hay các ứng dụng số mà mục tiêu xa hơn là giúp người dân có thể khai thác tối đa lợi ích của công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số của đất nước.

Với nỗ lực của chính quyền, sự hưởng ứng từ người dân, Phong trào "Bình dân học vụ số" chắc chắn sẽ tạo nên những bước chuyển mình, từng bước đưa Hà Tĩnh hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.