Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, 5 năm qua công tác bảo đảm trật tự, ATGT đã có chuyển biến mạnh mẽ. Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả có thể coi là sự đột phá này?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: 5 năm qua, mặc dù dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện giao thông cơ giới ở nước ta tăng nhanh (so với giai đoạn 2011-2015, mô tô tăng khoảng 50% và ô tô tăng khoảng 58%), nhưng TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, toàn quốc xảy ra hơn 94.000 vụ TNGT khiến hơn 39.900 người thiệt mạng, hơn 77.400 người bị thương. So với giai đoạn 2011-2015 thì giảm hơn 70.000 vụ TNGT (42,71%), số người chết giảm hơn 9.300 người (19,01%) và số người bị thương giảm hơn 90.600 người (53,91%). Đặc biệt, năm 2020, TNGT đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua ở cả 3 tiêu chí và lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người/năm.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội kiểm tra tải trọng phương tiện trên tỉnh lộ 35 thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: TRỊNH TÙNG

PV: Chúng ta đã có những giải pháp gì để giảm được TNGT, thưa đồng chí?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Trước hết phải kể đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát và quyết liệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, tập trung đôn đốc các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự, ATGT. Đặc biệt, năm 2019, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; ngay sau đó Chính phủ ban hành Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt với mức phạt nặng các vi phạm có nguy cơ gây TNGT, nhất là vi phạm nồng độ cồn, và chỉ đạo ra quân thực hiện nghiêm, đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhận được sự đồng tình của nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT được các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an, ngành giáo dục, y tế, các cơ quan báo chí, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội triển khai đồng bộ với nhiều cách làm sáng tạo, lan tỏa sâu rộng thông điệp về ATGT. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về ATGT được Bộ Công an, Bộ GTVT và các địa phương quan tâm chỉ đạo, tập trung xử lý nghiêm những vi phạm là nguyên nhân gây TNGT. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT cùng các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đầu tư, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý dứt điểm các “điểm đen” về TNGT, tạo môi trường giao thông an toàn. Riêng lĩnh vực đường bộ, giai đoạn 2016-2020, các đơn vị chức năng đã xử lý gần 1.150 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT (gấp 5 lần so với giai đoạn 2011-2015); sơn kẻ 14.500km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh hơn 20.000 cụm biển báo... Về đường sắt, đã xóa được 480 lối đi tự mở; thu hẹp 1.500 lối đi tự mở; cắm biển cảnh báo tàu hỏa tại hơn 3.000 vị trí; sửa chữa, cải tạo bề mặt gần 2.300 đường ngang các loại, làm gờ giảm tốc; giải tỏa tầm nhìn cho hơn 6.400 đường ngang...

Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được triển khai quyết liệt. Riêng đường bộ 5 năm qua đã xử lý hơn 126.300 xe vi phạm, tước gần 45.000 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 1.232 tỷ đồng. Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa điều hành vận tải; tiếp tục siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe khách, xe tải nặng; đẩy mạnh giám sát, xử lý vi phạm từ dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình. Công tác đăng kiểm phương tiện; đào tạo, cấp giấy phép lái xe... cũng được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, chống tiêu cực.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trao giải thưởng “Vô lăng vàng” năm 2020 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp vận tải và người lái xe tiêu biểu trong thực hiện quy định bảo đảm an toàn giao thông. Ảnh: NGỌC ÁNH 

PV: Để tiếp tục kéo giảm TNGT, thời gian tới ngành GTVT sẽ tập trung vào những việc gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Mặc dù có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhưng Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo, thời gian tới phải tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT, kiên quyết khắc phục những hạn chế, thiếu sót về công tác này bởi tình hình TNGT và ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, cần phải có sự nỗ lực vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, Bộ GTVT xác định sẽ tập trung tham mưu, đề xuất và phối hợp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, ATGT”, tập trung vào một số nhiệm vụ: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT, chú trọng vào hoàn thiện Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo yêu cầu của Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ mười, đáp ứng các mục tiêu về ATGT trong thời kỳ mới. Triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, ATGT đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” theo hướng ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào các nhiệm vụ bảo đảm ATGT; tiếp tục thực hiện Đề án “Đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt”... Triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19-2-2019 của Chính phủ. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh các dự án trọng điểm ngành GTVT. Tiếp tục rà soát, triển khai xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa v.v..

PV: Thưa đồng chí, trong nhiều công việc như trên thì đâu là khâu đột phá để bảo đảm trật tự, ATGT?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Chúng tôi xác định, điều quan trọng nhất là toàn xã hội phải chung tay làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT. Chỉ khi nào người dân có nhận thức tốt và tự giác thực hiện văn hóa giao thông thì mới hạn chế được TNGT bền vững. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về trật tự, ATGT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý và “phạt nguội” các vi phạm...

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Giai đoạn 2016-2020, Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ đạo các lực lượng thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Đường bộ, các cục và các sở GTVT thực hiện gần 479.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính hơn 447.400 vụ với số tiền hơn 1.958 tỷ đồng. Năm 2020 (tính từ ngày 16-12-2019 đến ngày 18-11-2020) đã xử phạt vi phạm hành chính gần 61.000 vụ với số tiền 205,664 tỷ đồng; giám sát 743 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 674 kỳ sát hạch lái xe mô tô. 5 năm qua, thông qua dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình, các đơn vị chức năng đã xử lý vi phạm của gần 49.000 phương tiện giao thông đường bộ. Về phía Bộ Công an, 5 năm qua cũng đã lập biên bản xử lý 21 triệu trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông...

HUY QUANG (thực hiện)