Vì thế, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ đồng bào nơi đây xây dựng, đưa vào sử dụng hàng chục công trình cầu dân sinh bắc qua suối. 

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có không ít dòng suối thường ngày nước chỉ đến mắt cá chân nhưng bỗng trở nên hung dữ sau mỗi trận mưa lũ. Những lúc như vậy, giao thông bị chia cắt, trẻ em không thể đến trường, người lớn không thể đi làm. Để khắc phục tình trạng này, người dân đã làm những cây cầu tạm bằng tre, gỗ để qua suối. Tuy nhiên, hầu hết cầu tạm đều không bền vững, khi nước lũ đổ về dâng cao và chảy xiết là cầu bị cuốn trôi. Có được những cây cầu bền vững để qua suối là mong mỏi của nhiều người dân.

Cầu dân sinh VCI thôn Lủng Chang, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) trong ngày khánh thành. 

Chỉ tay về phía con suối chảy qua địa bàn, ông Triệu Văn Phin, Trưởng thôn Thôm Khon, xã Văn Vũ, huyện Na Rì chia sẻ: “Bên kia con suối có 10 hộ dân thuộc hai thôn Thôm Khon và Khuổi Tàn sinh sống. Trước đây, mỗi lần mưa lũ là người dân bị cô lập hoàn toàn. Ai cũng mong có một cây cầu kiên cố bắc qua suối để cuộc sống bớt đi những khó khăn...”. Ước mơ của đồng bào thôn Thôm Khon đã thành hiện thực khi mới đây, nhờ sự kết nối của Tỉnh đoàn Bắc Kạn, một cây cầu bê tông bắc qua suối đã được triển khai xây dựng. Cầu có chiều dài 7,5m, rộng 2,5m với tổng kinh phí gần 180 triệu đồng, trong đó 102 triệu đồng do Câu lạc bộ “Ấm lòng-Đạo Phật ngày nay Hà Nội” hỗ trợ. Việc khánh thành, đưa vào sử dụng cây cầu vừa giúp 10 hộ dân không bị cô lập khi mưa lũ, vừa giúp hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu ở thôn Thôm Khon, thôn Khuổi Tàn giao thương thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. 

Trên địa bàn huyện Chợ Đồn có nhiều thôn, bản giao thông đi lại khó khăn, địa hình nhiều suối, trong khi ngân sách của huyện còn hạn chế, chưa đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng cùng lúc nhiều cây cầu phục vụ dân sinh. Vì vậy, hiện còn khá nhiều cầu tạm đang được sử dụng, tiềm ẩn nguy hiểm, bất trắc cho người dân. Mới đây, cũng nhờ sự kết nối của Tỉnh đoàn Bắc Kạn với các nhà tài trợ, các tấm lòng hảo tâm mà đã có 9 cây cầu được khánh thành, đưa vào sử dụng, 3 cây cầu dân sinh cũng vừa được khởi công.

Cầu CIC Nà Tông (thôn Nà Tông, xã Nghĩa Tá, Chợ Đồn) dài 17m, rộng 3m do Công ty Cổ phần Đầu tư CIC Hà Nội (Công ty CIC Hà Nội) và nhóm “Tâm từ bi” tài trợ là một trong những cây cầu vừa được hoàn thành với tổng chi phí xây dựng hơn 150 triệu đồng, trong đó Công ty CIC Hà Nội và nhóm “Tâm từ bi” hỗ trợ hơn 85 triệu đồng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CIC Hà Nội cho biết: “Mặc dù giá trị không lớn nhưng đây là cây cầu được xây dựng bằng tình cảm, sự sẻ chia của Công ty CIC Hà Nội, nhóm “Tâm từ bi” với bà con thôn Nà Tông. Cây cầu sẽ giúp đường đến trường của các cháu nhỏ nơi đây được thuận tiện, an toàn hơn, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Chúng tôi mong muốn thời gian tới tiếp tục được hợp tác, đồng hành cùng Tỉnh đoàn Bắc Kạn để ngày càng có nhiều cây cầu được xây dựng, nhiều hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, giúp đỡ".

Chung tay cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh Bắc Kạn thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí về đường giao thông nông thôn, thời gian qua, tổ chức đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực vận động, kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các tập thể, cá nhân để xây dựng được nhiều cây cầu, nhiều đoạn đường bê tông, thắp sáng nhiều tuyến đường quê, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thay đổi diện mạo các vùng quê vốn còn không ít khó khăn. Đồng chí Nông Bình Cương, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Tỉnh đoàn đã huy động nguồn xã hội hóa xây dựng được 30 cây cầu dân sinh, trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục kết nối, hỗ trợ xây dựng thêm nhiều hơn nữa những cây cầu, thiết thực giúp bà con đi lại thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Bài và ảnh: LINH HÀ