Nằm trên một mặt bằng ở độ cao từ khoảng 1500 đến 1650 mét ở sườn núi Lô Suây Tông, Sa Pa quyến rũ du khách thập phương vì không khí mát mẻ quanh năm cộng thêm những thắng cảnh có một không hai như: Thác Bạc, Vườn hoa núi Hàm Rồng; Nhà thờ Đá, Thung lũng Mường Hoa… Thế nhưng, bao nhiêu háo hức bỗng vụt tắt khi chúng tôi đến trung tâm thị trấn. Chiếc xe chở đoàn du khách như lạc vào một trung tâm mua bán lộn xộn với cảnh xe chen xe, người chen người trên các con đường chính.
Chợ họp ngay dưới biển cấm.
Phố Thạch Sơn, thị trấn Sa Pa "nhộn nhạo" cảnh buôn bán lấn chiếm vỉa hè.
Sau khi nhận phòng khách sạn, cả đoàn bắt đầu hành trình du lịch đến thăm Nhà thờ Đá Sa Pa và Vườn hoa Hàm Rồng, cách khoảng 2 kilômét. Tuy đi bộ, nhưng chúng tôi cũng di chuyển rất khó khăn. Trên vỉa hè, người dân địa phương bày hàng quán buôn bán đủ các loại: Đồ lưu niệm, thịt trâu khô, cơm Lam, trái cây, các hàng thuốc bắc… Nguy hiểm là hàng chục quầy bày bán những cây kiếm, con dao dài cả mét và rất sắc, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về mất an toàn, an ninh trật tự.
Khách hàng thoải mái lựa chọn dao, kiếm
Một phụ nữ địa phương ôm mớ kiếm cong ra quầy bán.
Những chợ không phép đã choán hết cả vỉa hè, khiến du khách buộc phải tràn xuống lòng đường đi bộ. Nhưng ngay lập tức, du khách bị sa vào “những quầy hàng di động”. Đó là những em bé tay cầm những đồ lưu niệm nhỏ và những người phụ nữ mặc quần áo dân tộc đeo gùi rau bám theo chèo kéo mua hàng. Nhèo nhẽo theo khoảng vài chục mét, khi nhóm này vừa đi, nhóm khác liền ùa đến. Hồ Nguyễn Nha Trang, một thành viên nữ trong đoàn dừng lại, mua cho em nhỏ một chiếc vòng nhỏ. Vừa móc 10 nghìn ra trả thì giá chiếc vòng lại đội lên 15 nghìn, thấy vậy Nha Trang ca cẩm: “Mình thấy tụi nhỏ đáng thương nên mua giúp. Tiền không quan trọng nhưng các cháu bé thế mà đã có hành động xấu như vậy thì rất không nên”.
Sân nhà thờ Đá cũng xảy ra tình trạng lộn xộn, bởi lượng du khách quá đông. Nạn chèo kéo chụp hình, buôn bán hàng diễn ra khốc liệt. Sau khi tranh cãi với người phụ nữ cho thuê áo dân tộc và chụp hình thuê, anh Hoàng Phú Hải (Thanh Xuân, Hà Nội) than thở: “Lúc đầu nói giá chụp 1 kiểu có thuê quần áo là 50 nghìn đồng. Chúng tôi 2 người cùng mặc và chụp được 2 kiểu với nhau thì lấy 200 nghìn và nói tính tiền theo số lượng người. Nói lý thì họ chửi tục và dọa nạt, nên đành trả tiền cho xong”.
Những du khách tranh cãi vì bị thợ chụp ảnh (người nữ mặc áo vàng, thứ hai bên trái) lấy tiền cao hơn so với lúc đầu.
Không những va vào nạn buôn bán, du khách còn bị nạn ăn xin vây quanh. Tuy không mua đồ nhưng chị Nguyễn Phương Linh (Nha Trang, Khánh Hòa) móc ví ra cho một em bé địa phương 10 nghìn đồng. Ngay lập tức, các em nhỏ xung quanh ùa tới vây quanh Linh. Cuối cùng nhờ các thành viên trong đoàn, Linh mới được giải thoát khỏi vòng vây các cháu.
Du khách bị trẻ em địa phương vây quanh xin tiền
Mặc dù có Đội Quy tắc nhắc nhở nhưng người bán và người mua vẫn thoải mái mua bán.
Mặc dù cảnh sát giao thông, công an và Đội Quy tắc của thị trấn Sa Pa đã cố gắng giữ gìn trật tự an ninh nhưng nạn chèo kéo du khách và sự lộn xộn buôn bán dọc đường ở Sa Pa làm các thành viên trong đoàn chẳng ai còn mấy hứng thú ngắm cảnh. Thị trấn Sa Pa có chợ đã được quy hoạch, nhưng người dân vẫn mang hàng hóa bày bán dọc đường, khu quảng trường thị trấn… Hiện tượng đó đã và đang làm mất đi vẻ đẹp nhẹ nhàng và quyến rũ của một biểu tượng du lịch của Việt Nam.
Thiết nghĩ, để du khách còn quay lại Sa Pa thì những vấn nạn này cần giải quyết triệt để. Chính quyền và các cơ quan chức năng cũng như ngành du lịch tỉnh Lào Cai nên có những biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chèo kéo du khách, ăn xin nhằm giữ gìn trật tự đô thị, giữ gìn nét đẹp, sự thân thiện và khung cảnh thanh bình để Sa Pa trở về với vẻ đẹp nhẹ nhàng, lặng lẽ nhưng đầy cuốn hút.
Bài, ảnh: VIỆT HÀ