Song, ai biết được việc mưu sinh của các chị cũng có không ít nhọc nhằn.
Lái đò kiêm hướng dẫn viên du lịch
Bến Tràng An những ngày nghỉ cuối tuần, thuyền và khách du lịch qua lại tấp nập. Ở trên bờ, khách í ới gọi: “Đò ơi! Nhanh lên”. Dưới bến, lái đò hối hả vung tay chèo, luồn lách, tiếp cận khách. Chị Đinh Thị Liễu, 42 tuổi, đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt khô nẻ giữa cái nóng oi bức, cười tươi mời chúng tôi xuống đò. Với những người làm nghề lái đò ở khu du lịch Tràng An, một năm có khi chỉ làm vài ba tháng nên nhiều gia đình cả vợ chồng con cái cùng tham gia chèo đò chở khách để tăng thu nhập.
Những phụ nữ làm nghề lái đò ở Khu du lịch sinh thái Tràng An (Hoa Lư, Ninh Bình).
Vừa nhắc chúng tôi ngồi vào vị trí, mặc áo phao cẩn thận, chị Liễu vung mái chèo đưa con thuyền rời bến. Con thuyền rẽ nước đưa chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình khám phá Tràng An. Tôi hỏi: “Hôm nay chị cho chúng em khám phá những đâu vậy, mất nhiều thời gian không?”. Như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, chị Liễu giới thiệu: “Hành trình cả đi và về 15km, hết khoảng 3 giờ. Chúng ta sẽ đi từ hang Địa Linh, đền Trình, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu rượu cho đến Phủ Khống, hang Khống rồi trở về lại bến Tràng An”. Bạn tôi nghe vậy liền hỏi: "Đi xa thế, chị đủ sức chèo không?”. Chị Liễu cười, nói: “Các cô, các chú an tâm. Nghề của tôi mà", rồi chị chia sẻ: "Nhờ chở khách Tây nhiều nên hầu hết lái đò ở khu du lịch Tràng An đều phải học chút ít tiếng Anh giao tiếp, chứ đi cả chặng đường dài mà không nói gì, buồn lắm”.
Nhọc nhằn nghề lái đò
Nghề lái đò ở Tràng An là công việc mong ước của nhiều người dân trong vùng, dẫu rằng đằng sau đó là những ẩn họa, nhọc nhằn. Bến Tràng An hiện nay có khoảng 2.000 chiếc đò, người lái đò đều là những phụ nữ tuổi trung niên. Công việc của các chị thường bắt đầu từ sáng sớm, kết thúc sau mỗi chuyến chèo đò đưa khách, mỗi người được 150.000 đồng tiền công.
Chị Đinh Thị Hạnh, 51 tuổi, tâm sự: “Cũng vì kiếm sống thôi chú ạ, trước đây gia đình tôi làm ruộng, từ khi Nhà nước thu hồi đất làm dự án thì không còn nghề nào cả. Thanh niên đi làm ăn xa dưới thành phố, chỉ còn lại người già, phụ nữ như chúng tôi thì đi chèo đò. Tôi bị bệnh khớp, đau cột sống, bác sĩ khuyên hạn chế vận động mạnh, nhưng nếu mình không đi chèo đò thì biết lấy gì để nuôi con ăn học”.
Với những người làm nghề chèo đò, buồn nhất là những ngày “nằm dài” đợi khách. Để phân chia hợp lý lượt đò chở khách, các nhà quản lý đã chia lần lượt, hết người này đến người khác. Chị Liễu cho biết: "Ngày thường chúng tôi phải chờ cả tuần mới đến lượt, vì khách quá ít, một tháng chỉ được 4-5 chuyến. Gặp những vị khách dễ tính họ thường cho thêm chút tiền gọi là. Những lúc không có khách thì ở nhà nuôi heo, nấu rượu. Làm nghề này là xác định bấp bênh”.
Nghề lái đò ở Tràng An cần nhất là sức khỏe và tuân thủ các quy định của Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An. Để có thể tham gia vào công việc chèo đò, các chị phải học và thi lấy chứng chỉ. Lái đò tưởng đơn giản nhưng cần có kỹ năng, nhất là những lúc vào hang động phải đưa đò đi đúng hướng để không va vào đá, du khách không chạm vào những nhũ đá trên đầu. “Làm nghề gì cũng cần kiên nhẫn chú ạ. Mình yêu nghề thì nghề mới yêu mình. Tôi làm nghề gần 10 năm, niềm vui-đó là được gặp du khách khắp mọi miền đất nước, được trò chuyện, hỏi thăm về quê hương bản quán, công việc của nhau, chúng tôi thấy vui hơn”, chị Liễu tâm sự.
Bài và ảnh: PHẠM AN