Ngày sát Tết, trong khi nhà tôi đang được tiếp đón đoàn cán bộ phường đến chúc Tết, tặng quà gia đình chính sách thì bạn tôi từ Hà Tĩnh điện ra báo tin tiền đền bù, hỗ trợ và quà Tết cũng đã đến với tất cả các gia đình bị thiệt hại trong vụ xả thải ra biển và lũ lụt. Anh em kể rằng, dù đã có những bức xúc vì chuyện thiếu minh bạch, công khai và công bằng nhưng trước sau bà con vẫn tin tưởng, ơn nhớ những điều Đảng, Nhà nước đã quan tâm, cứu giúp và hỗ trợ cho từng gia đình trong suốt những năm tháng khó khăn đã qua. Đơn cử như ở Kỳ Anh, tiền đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp đã giúp bà con có nhà mới khang trang, con em đến tuổi có việc làm với thu nhập gấp bội so với làm nông nghiệp trước đây. Và vùng đất sỏi đá nghèo đói Kỳ Anh xưa kia bây giờ đã là một thị xã đông đúc có đủ phố phường, trường học, bệnh xá, chợ búa, hàng quán tấp nập… Đổi đời thực sự, làm sao bà con có thể không ơn nhớ?
Câu chuyện Kỳ Anh làm tôi nhớ tới những hòn đảo xa vắng trong quần đảo Nam Du nơi vùng biển Tây Nam mà tôi đã được đặt chân đến trong những ngày trước Tết. Thay vì những túp lều tạm bợ để tránh mùa gió Nam hay gió Bắc, ở hai sườn các hòn đảo bây giờ là dãy dãy phố hoặc trên triền núi hoặc sát mép biển. Đêm đến là ánh điện sáng trưng trên các căn nhà đối sánh với các quầng sáng trên các con tàu đánh cá ở vùng biển xa gần. Ngày ngày, những con tàu cánh ngầm chở bà con, khách du lịch và hàng hóa ra vào đất liền khiến vùng biển vắng xưa kia trở thành nơi sum vầy nhộn nhịp. Có ai hình dung được cảnh này khi cách đây tròn 20 năm, cơn bão số 5 năm 1997 đột ngột tràn qua vùng biển đảo này khiến hàng trăm con tàu, hàng trăm ngư dân bị chìm vĩnh viễn dưới đáy biển. Và xưa nữa, những ngày khói lửa chiến tranh, vùng biển đảo này xa xôi, hoang vắng đến độ những thanh niên trốn lính quân dịch dưới thời chế độ cũ đã tìm đến ẩn tránh.
Bây giờ thì cá từ Nam Du đã theo tàu, theo xe bảo ôn đến tận Nam Định, Hà Nội, Lạng Sơn. Bây giờ Nam Du không chỉ là nơi trú ngụ của dân đánh cá mà đã trở thành vùng biển đảo du lịch tấp nập mỗi ngày. Và những ngày Tết này đây chính là mùa khách đến đông vui nhất.
Trong những ngày Tết, không chỉ là những cuộc đoàn viên gia đình, làng xóm, không chỉ là những chuyến du ngoạn dân đến với dân mà hòa trong dòng người “gần xa nô nức yến oanh” có cả nhiều đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Ai thì cũng từ dân, là dân nhưng đã lĩnh trọng trách thì càng cần phải gần dân, hiểu lòng dân. Thật vui khi thấy những cảnh lãnh đạo đến từng nhà dân, ra đường gặp gỡ và tặng chiếc phong bao có in hình con gà Đinh Dậu màu đỏ mừng tuổi người dân.
Một cái Tết kết nối yêu thương, kết nối chung vui ngập tràn mọi làng quê, phố thị, hàng hóa, dịch vụ, cỗ bàn đủ đầy là tấm lòng, là nỗ lực và thực lực của đất nước vượt qua thách thức, tai họa và sẵn sàng bước vào năm mới với tâm thế tự tin, hứng khởi.
***
Hôm nay là ngày mồng 5 Tết, ngày Tết Quang Trung, ngày Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa cách đây 228 năm. Lại nhớ dịp Tết Quang Trung tròn 200 năm-năm 1989, cũng giống bao người Hà Nội, tôi đã sửng sốt trước hình ảnh bến xe, bến tàu, chợ búa, cửa hàng bỗng nhiên không còn cảnh xếp hàng mua bán, chờ đợi. Đó là quang cảnh của Tết đổi mới. Có được điều ấy là nhờ những quyết định giải tỏa hoàn toàn cung cách “ngăn sông cấm chợ” cho hàng hóa lưu thông và kích thích sản xuất, thương mại, những quyết định giải phóng tiềm năng tinh thần, vật chất trong xã hội. Nhờ vậy mà mọi cơ quan, đơn vị, tư nhân có xe được tự do tham gia dịch vụ vận chuyển. Cảnh từng đoàn người nối nhau chờ tàu kéo dài qua mấy dãy phố trước ga Hàng Cỏ đã vĩnh viễn trôi vào dĩ vãng.
Nhưng sau hơn 30 năm đổi mới, dường như những cảnh tượng ấy lại lặp lại tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh. Sự thu hút lao động công nghiệp hóa, sự dịch chuyển dân cư trong quá trình đô thị hóa đã tạo nên cảnh tượng này như một tất yếu, một vòng xoáy mới trên nấc thang phát triển. Và đương nhiên cách giải bài toán kẹt xe, xây dựng hạ tầng giao thông nói riêng và đưa nền văn minh vật chất, tinh thần của đất nước nói chung phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều so với việc tháo gỡ “ngăn sông cấm chợ”, mở “khoán sản”, hay “mở cửa” thông thương, “mở đường” cho xe cộ năm nào. Giải phóng sức người, sức của trong một nền kinh tế đã đem lại thu nhập đầu người ở mức trung bình đòi hỏi một động lực tổng hợp cực mạnh mới có thể phát huy được tiềm năng mới để đất nước bứt vượt khỏi chính cái “ngưỡng (hay bẫy) thu nhập trung bình" đó.
Nhận thức đã rõ, đường hướng đã được vạch ra từ Đại hội Đảng lần thứ XII. Sau một năm quyết tâm và nỗ lực hành động, chúng ta đã tạo được những chuyển biến đáng khích lệ. Lòng tin trong nhân dân, niềm tin thị trường đã và đang được khơi dậy mạnh mẽ. Những câu chuyện sản xuất, lưu thông, tiêu dùng thực phẩm sạch, ưu tiên dùng hàng Việt Nam được bàn tán và thực hiện suốt trong năm tiếp tục lan đến những mâm cỗ Tết này. Những hy vọng về công ăn việc làm, về các cuộc tấn công vào tội phạm tham nhũng, vào cách thức giải quyết các vấn nạn giao thông, môi trường, vào những bước cải cách giáo dục-đào tạo, y tế… cũng xôn xao trên mọi nẻo đường đầu xuân.
***
Dịp Tết, về quê nội, quê ngoại ở đồng bằng Bắc Bộ, trước những cánh đồng trơ khốc phơi mình trong nắng ấm, tôi có cảm giác như đồng đất quê hương đang đợi một điều gì lớn lao lắm. Không phải là vụ lúa đông xuân sắp bắt đầu mà hơn thế. Những thửa ruộng lúa đã thành trang trại xanh màu cam, quýt, bưởi cùng đủ loại rau xanh nói điều gì với những thửa ruộng để hoang bên cạnh? Vâng, thanh niên trai tráng đi làm ăn xa cả, đất bỏ hoang là phải. Quê tôi cũng giống nhiều miền quê tôi đã đi qua từ Nam chí Bắc, không phải người nông dân không muốn gắn bó với đất đai, đồng ruộng mà vì làm lúa, làm màu theo như xửa xưa đến nay không cho thu hoạch chắc ăn hoặc có được mùa chăng nữa vẫn không thể đưa lại thu nhập cao. Những cánh đồng lớn do doanh nghiệp hay hợp tác xã kinh doanh, những trang trại nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành và phát triển khá sôi nổi ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự lan đến quê tôi và nhiều miền quê đất nước. Câu chuyện tích tụ ruộng đất phải chăng đã đến hồi chín muồi để có thể và phải đẩy tới mạnh mẽ hơn? Và phải chăng một trong những việc lớn của Nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân phát triển đất nước chính là đây? Cải cách đổi mới trong nông nghiệp chính là bước đi đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới và giờ đây trước chặng đường mới, nấc thang mới của phát triển, phải chăng nông nghiệp, nông thôn mới sẽ lại là một lĩnh vực tiên phong? Muốn có sản phẩm cạnh tranh, có thương hiệu toàn cầu, không có cách nào khác.
Các cánh đồng quê tôi đang chờ lần xả nước đổ ải thứ ba. Hội làng nay mai sẽ mở. Hối hả các làng quê, hối hả các con đường trở lại để bắt tay vào ngày làm việc đầu xuân. Siêu thị, chợ búa, cửa hàng đã mở. Ở Hà Nội, tôi hướng về Nam khi biết tin nước biển đã tràn vào sông Hậu đến 35km và ngóng về những người thợ vẫn cần mẫn làm việc xuyên Tết để các cây cầu Cao Lãnh, Vàm Cống sớm hoàn thành để mở thêm một con đường lớn xuyên qua Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhịp xuân sớm đã bắt đầu.
Tùy bút của MẠNH HÙNG