Mấy ngày nay, người dân ở tổ dân phố 37, phường Thanh Bình (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ cháy ngôi nhà K176/6, đường Lý Tự Trọng, khiến ông Phan Dũng (chủ nhà) tử vong. Theo một số người dân, vào khoảng 14 giờ ngày 22-11, họ phát hiện ngôi nhà của gia đình ông Phan Dũng bị cháy nên đã gọi điện báo cơ quan chức năng. Dù lực lượng Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng khẩn trương tới dập lửa nhưng không cứu được ông Dũng, toàn bộ đồ dùng trong nhà bị thiêu rụi. Được biết, tại ngôi nhà này, gia đình ông Dũng từng sử dụng làm nghề may rèm cửa, ga giường nên bên trong chứa vải và các chất dễ cháy. Cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ cháy, song qua sự việc cho thấy: Việc sử dụng mặt bằng vừa là nơi để hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, vừa là nơi để ở sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ.

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ cháy ngôi nhà K176/6, đường Lý Tự Trọng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ngày 22-11. 

Thống kê của Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng cho hay, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 40 vụ cháy, làm 2 người chết, 8 người bị thương, thiệt hại về tài sản gần 4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ cháy tăng 11 vụ, tăng 2 người chết và 5 người bị thương. Nguyên nhân của các vụ cháy phần lớn là do chập điện (76%), sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (15%). Ngoài ra, toàn thành phố còn xảy ra 285 sự cố cháy nhỏ, thiệt hại không đáng kể; nguyên nhân chủ yếu do chập điện và đốt cỏ rác gây cháy lan.

Thượng tá Phan Yến, Phó trưởng Phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng, cho biết: Trong năm qua, Cảnh sát PCCC thành phố đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm các quy định về PCCC; củng cố, kiện toàn lực lượng dân phòng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng trong công tác PCCC; xây dựng 829/829 cụm dân cư an toàn PCCC. Lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đã kiểm tra định kỳ và đột xuất 3.464 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý 313 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC với số tiền 684,35 triệu đồng; tiếp nhận 692 hồ sơ thẩm duyệt về PCCC, ban hành 288 văn bản liên quan đến công tác thẩm duyệt về PCCC; khảo sát và xây dựng mới 469 phương án chữa cháy…

Hiện nay, Đà Nẵng có hơn 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ; 5 khu công nghiệp, dịch vụ; 1 khu công nghệ cao. Trong đó có 3.699 cơ sở thuộc diện Cảnh sát PCCC thành phố quản lý về PCCC và nhóm cơ sở có nguy hiểm cháy nổ cao gồm 180 nhà cao tầng, khách sạn cao từ 5 tầng trở lên; 84 chợ; 35 siêu thị; 6 khu công nghiệp…

Qua kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PCCC và tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, cơ bản tại các khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị lớn, nhà cao tầng… đã xây dựng các phương án chữa cháy theo quy định, có lực lượng chữa cháy tại chỗ, bảo đảm các yêu cầu cơ bản về PCCC… Tuy nhiên, công tác PCCC tại các khu vực này còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trong các khu dân cư hay ở mặt phố vừa là nơi buôn bán vừa là nơi chứa hàng hóa nhưng lối thoát hiểm không có, khối lượng hàng hóa rất nhiều, chủ yếu là các chất dễ bắt cháy. Nhiều chợ truyền thống được xây dựng cách đây hàng chục năm nên các hạng mục đã xuống cấp và không còn phù hợp với tiêu chuẩn PCCC hiện hành nhưng vẫn phải hoạt động. Một số nhà cao tầng được xây dựng và đưa vào hoạt động trước khi có các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành (QCVN 06:2010/BXD, TCVN 3890:2009…) do vậy, các điều kiện về an toàn PCCC như: Lối thoát nạn, trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy chưa bảo đảm. Tại nhiều chung cư, ý thức trách nhiệm và kiến thức về PCCC của người dân chưa cao, nên việc chấp hành các quy định về PCCC chưa đầy đủ và triệt để. Các trang thiết bị PCCC tại những khu chung cư mới chỉ được đầu tư bổ sung ban đầu, hiện còn rất nhiều khu vẫn thiếu hoặc không bảo đảm yêu cầu về PCCC...

Theo Đại tá Trần Đình Chung, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng: Hiện nay, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng Cảnh sát PCCC còn thiếu so với định mức trang bị quy định tại Thông tư số 60/2015/TT-BCA ngày 9-11-2015 của Bộ Công an, nhất là phương tiện chữa cháy và CNCH trên sông; tính năng kỹ thuật lạc hậu; nhiều xe đã có niên hạn sử dụng hơn 35 năm, thường xuyên hư hỏng, không an toàn khi đi làm nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu chữa cháy và CNCH.

Ngoài ra, nguồn nước phục vụ chữa cháy chưa đáp ứng được yêu cầu. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2551/QĐ-TTg ngày 15-4-2013 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới công trình liên quan đến công tác PCCC trên địa bàn, với 22 bến bãi lấy nước nhưng đến nay chưa có bến bãi nào được triển khai xây dựng. Toàn thành phố có 923 trụ nước (tính đến cuối năm 2015) phục vụ cho công tác PCCC, hiện có 41 trụ bị hỏng. Tuy nhiên, hệ thống trụ nước chữa cháy chưa đồng bộ về mặt chủng loại, còn thiếu nhiều so với quy định, nhiều trụ nước không bảo đảm lưu lượng và áp lực, bị mất nắp đậy, hư hỏng van…

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, hạn chế thấp nhất các vụ cháy xảy ra trên địa bàn, chúng tôi cho rằng, các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng cần sớm triển khai các giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập về công tác PCCC. UBND thành phố cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho lực lượng Cảnh sát PCCC đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng ngừa, ngăn chặn những nguy cơ gây ra cháy nổ cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, người lao động và nhân dân; phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng PCCC ở cơ sở...

Bài và ảnh: VĂN CHUNG