leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: doanhnghiepvn.vn.
Từ năm 2010 đến nay, khung chính sách và pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khi Luật Khoáng sản được ban hành, tạo hành lang pháp lý để thực hiện minh bạch trong ngành công nghiệp nhiều triển vọng này, qua đó nâng cao năng lực quản trị. Mặc dù vậy, vẫn còn khoảng cách lớn giữa những chủ trương, quy định và thực tiễn thi hành. Ví dụ như liên quan đến cấp phép quyền khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp, luật quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không quy định rõ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện. Ngoài ra, quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép, từ thông tin doanh nghiệp đăng ký cấp phép cho đến doanh nghiệp được lựa chọn cấp phép nên mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh. Năm 2013, Việt Nam chỉ đứng thứ 41/58 quốc gia, xếp hạng yếu trong các đánh giá về mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chỉnh-Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam, hiện mới chỉ có 7 tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai đấu giá với gần 70 điểm mỏ, tổng trị giá khoảng 39 tỷ đồng và số lượng các mỏ đấu giá thành công vẫn chưa được cập nhật. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan phê duyệt kế hoạch đấu giá nhưng vẫn chưa triển khai được hoạt động đấu giá. Một trong những nguyên nhân đó là hồ sơ đấu giá không đủ năng lực tài chính theo quy định; mức thu phí ban đầu quá cao khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính nên không thể tham gia đấu thầu. Nhiều doanh nghiệp phản ánh đã phải trả không ít các chi phí không chính thức để có được giấy phép khai thác.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản cho rằng, Hiến pháp đã quy định tài nguyên khoáng sản là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, nhưng yêu cầu công khai, minh bạch lại chưa được chú trọng trong pháp luật về khoáng sản. Việc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch khoáng sản được biểu hiện thông qua quá trình lấy ý kiến trước khi ban hành, sửa đổi quy hoạch và công bố quy hoạch sau ban hành. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến các bản quy hoạch khoáng sản hiện nay mới chỉ xoay quanh một số cơ quan Nhà nước, trong khi đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có hoạt động khoáng sản. Vì vậy, cần tăng cường tính minh bạch thông qua việc đăng tải hồ sơ, gửi lấy ý kiến kết quả khoanh định khu vực cấm, tạm cấm trên website của cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, đối tượng được gửi hồ sơ lấy ý kiến không chỉ là các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh mà cần có cả ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và người dân địa phương chịu ảnh hưởng bởi quy hoạch đó.

Một bất cập khác trong hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta hiện nay đó là việc quản lý, thanh tra hoạt động khai khoáng vẫn còn phân tán và chồng chéo. Cụ thể: Nội dung cấp phép hoạt động khoáng sản thì do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhưng giám sát các hoạt động khoáng sản lại do Bộ Công Thương thực hiện. Mặc dù Luật Khoáng sản được ban hành năm 2010, nhưng các văn bản pháp luật kèm theo rất chậm trễ nên đã gây rất nhiều hạn chế cho hoạt động khoáng sản. Bên cạnh đó, đặc thù của Việt Nam trong hoạt động khai thác khoáng sản là có nhiều đơn vị của Nhà nước, liên doanh và tư nhân. Các đơn vị Nhà nước sẽ có nhiều ưu thế hơn so với các đơn vị tư nhân, làm cản trở tiến trình minh bạch hóa trong hoạt động khoáng sản. Do đó, có chuyên gia cho rằng, cần phải xem xét để thành lập một Ủy ban Quốc gia về giám sát minh bạch và an toàn khoáng sản với sự tham gia đầy đủ của đại diện các bên liên quan, các bộ, ngành, doanh nghiệp hoặc Ủy ban Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác.

Liên quan đến hoạt động quản lý thu, nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản hiện được đánh giá chưa tương xứng với quy mô khai thác. Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2011-2013, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9-1,1% tổng thu ngân sách Nhà nước. Nhiều địa phương phản ánh rằng, số thu thuế thậm chí không đủ cho chi phí quản lý Nhà nước đối với hoạt động khoáng sản. Cách thức quản lý thu thuế, phí chủ yếu dựa trên giá bán và sản lượng được doanh nghiệp khai báo. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này “phàn nàn” rằng đang phải chịu quá nhiều khoản thuế, phí trong quá trình hoạt động. Ông Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp phải chi khoảng 16 khoản thuế, phí để nộp về ngân sách Nhà nước trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản. Riêng ngành than, nếu tính tất cả loại thuế, phí đã chiếm tới 12-15% doanh thu.

Khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý khoáng sản hiện nay là cơ quan Nhà nước không đủ nguồn lực để giám sát, ngăn chặn các hành vi vi phạm như: Khai thác khoáng sản trái phép, báo cáo thiếu sản lượng, không đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường... Để khắc phục những bất cập này có thể dựa vào năng lực giám sát của người dân địa phương nơi có khoáng sản. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất đối với người dân địa phương là họ không có đủ thông tin về các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản để có thể giám sát việc tuân thủ. Vì vậy, việc công bố các thông tin liên quan đến người dân địa phương là hết sức cần thiết, đặc biệt là các thông tin về giấy phép khoáng sản đã cấp; về giám sát sản lượng khoáng sản và báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, báo cáo kết quả quản lý Nhà nước về khoáng sản tới người dân.

Những khoảng trống trong chính sách pháp luật về khoáng sản đã tạo ra nhiều kẽ hở, khiến cho hoạt động trong lĩnh vực này thiếu minh bạch và dẫn đến việc khai thác khoáng sản không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên. Các chuyên gia cho rằng, việc cấp phép khai thác khoáng sản cần được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai, lựa chọn kỹ lưỡng doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, năng lực về công nghệ để việc khai thác khoáng sản bảo đảm hiệu quả cao nhất, bảo vệ môi trường. Về góc độ quản lý Nhà nước trong thu thuế, phí ở lĩnh vực khoáng sản, ông Bùi Đức Hiền-Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính-đưa ra quan điểm: Cần có một cách thu tài chính khoáng sản trong đó giảm thủ tục hành chính, thủ tục quản lý thuế và giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp (tính giá bán, kê khai, quyết toán và xác định doanh thu thực tế trong kỳ kê khai thuế…) theo hướng gộp tất cả vào thành một khoản thu duy nhất thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Khi đó, doanh nghiệp một mặt vẫn có thể hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, mặt khác vẫn có thể kiểm tra chéo lẫn nhau để bảo đảm một môi trường đầu tư công bằng trong khoáng sản.

Các chuyên gia nhận định, việc gia tăng nguồn thu từ hoạt động khai khoáng nên tập trung ở cả những khâu tiếp theo như chế biến, xuất khẩu chứ không chỉ riêng khâu khai thác. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần bàn thảo để thống nhất và bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, gồm Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm công khai các thông tin cơ bản về dự án khai thác khoáng sản, gồm: Diện tích, thời hạn, công suất, tình trạng, giấy phép; báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí cả nguồn thu từ khoáng sản đóng góp cho địa phương nhằm bảo đảm quyền lợi người dân nơi có khoáng sản.

MINH MẠNH