Quốc hội nước ta thông qua nội dung luật Trưng cầu ý dân là một bước tiến lớn trong chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đây cũng được xem là phương thức tập hợp trí tuệ, tạo ra sức mạnh tinh thần, vật chất, đưa Việt Nam tiến nhanh, vững chắc trong thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng ta đã xác định. Bởi nếu coi dân chủ là “chìa khóa” của thành công thì trưng cầu ý dân được cho là “vật liệu” tốt nhất để làm lên chiếc “chìa khóa” ấy.

Luật Trưng cầu ý dân ra đời phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới văn minh, là cơ sở bảo đảm cho Việt Nam có nhiều thuận lợi trong hội nhập rộng và sâu hơn với các nước, các nền kinh tế khu vực và thế giới. Theo quy định của luật, người dân Việt Nam ở trong nước được đóng góp trực tiếp vào Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; được cho ý kiến về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; được cho chính kiến vào lĩnh vực kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc những vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

 Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn
Trên thế giới, việc trưng cầu ý dân là hoạt động hết sức bình thường và được tiến hành từ rất lâu, ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, trước khi Luật Trưng cầu ý dân chưa có hiệu lực, công dân nước ta thực hiện quyền làm chủ thông qua đại biểu Quốc hội hoặc qua các tổ chức mà pháp luật cho phép. Điển hình là, trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa qua, Quốc hội, Nhà nước đã tuyên truyền, khuyến khích công dân đóng góp vào nội dung này rất có hiệu quả.

Tuy nhiên, dù đã có hiệu lực thi hành, nhưng chắc chắn trong thực hiện luật này sẽ không tránh khỏi khó khăn, những vấn đề phát sinh không có lợi, đặc biệt là khi nhận thức của người dân Việt Nam còn chưa đồng đều, còn có mặt hạn chế và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin.

Nguyên nhân là, sẽ có nhiều cá nhân và các thế lực thù địch lợi dụng trưng cầu ý dân, lợi dụng Internet để tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về nội dung, ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân, cản trở cử tri không thực hiện hoặc thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân trái với mong muốn. Đây có thể được xem là “kẻ thù giấu mặt” của tiến bộ dân chủ XHCN mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đang hướng tới. Chúng ta cũng cần cảnh giác với những hành vi lợi dụng việc trưng cầu ý dân để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân…

“Ý chí của nhân dân là cơ sở của quyền lực chính phủ”, thế nên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay và trong tương lai là chúng ta cần nhận diện đúng và chính xác “vật cản” trong thực hiện Luật Trưng cầu ý dân. Các cơ quan truyền thông cần tích cực tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về mục tiêu, giải pháp trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Cốt lõi là làm cho Nhân dân tin Đảng, theo Đảng, tin vào chính quyền, tin vào mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, các việc làm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đều hướng tới tới mục đích duy nhất là cho Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Ở phía người dân, vấn đề rất quan trọng là tự nâng cao nhận thức mọi mặt và hiểu biết pháp luật để lấp “lỗ hổng” kiến thức, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào những việc làm không có lợi cho quốc gia, dân tộc. Trong đó, việc nâng cao hiểu biết về pháp luật có ý nghĩa rất lớn. Bởi các luật và bộ luật là ý chí, nguyện vọng của nhân dân được chuẩn bị kỹ lưỡng, câu từ chính xác, dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức chung của mọi người trong xã hội. Nắm chắc luật sẽ giúp người dân hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình, biết được việc gì nên làm và việc không nên làm.

Cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho xã hội, làm tốt hơn nữa vai trò định hướng, cổ vũ, nhân rộng gương điển hình và cách làm mới. Cơ quan quản lý báo chí của Nhà nước cần mạnh tay, siết chặt kỷ cương với hiện tượng “rắc sạn”, “đổ mỳ chính”, tạo dư luận không tốt, đưa thông tin xấu, sai lệch… của các cơ quan báo chí. Cần phải mạnh tay rút giấy phép xuất bản với các cơ quan cố tình đưa thông tin có hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nhận diện các “vật cản” trong tiến trình thực hiện Luật Trưng cầu ý dân là hết sức cần thiết. Cho nên, cần tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội để loại bỏ “vật cản” ấy một cách quyết liệt thì mục tiêu xây dựng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh sẽ được bảo đảm chắc chắn hơn./.  

ĐỨC TÂM