Giao thông chưa tương xứng với tiềm năng phát triển

Theo số liệu từ Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Nha Trang (Khánh Hòa), tỷ lệ tăng phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn 3 năm qua bình quân từ 6,65 đến 7,74%. Trong đó, phương tiện ô tô tăng bình quân từ 25,63 đến 27,9%; đặc biệt năm 2017, phương tiện ô tô tăng 60,7%, mô tô tăng 12,9% so với năm 2015. Tỷ lệ tăng này vượt ngoài dự tính của Đề án Phát triển, tổ chức giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó, hiện nay, thành phố còn có các phương tiện cơ giới đường bộ thuộc các tỉnh, thành phố cả nước đang hoạt động với khoảng gần 1.400 xe ô tô. Trong khi đó, mạng lưới đường giao thông của thành phố có dạng hình nan quạt, được đầu tư từ nhiều năm trước, cơ sở vật chất xuống cấp. Mặt cắt ngang đường chủ yếu từ 5 đến 10m, một số đường vành đai, trục chính được thiết kế từ 10 đến 13m.

Cảnh ùn tắc vào giờ tan tầm tại đường 2-4.

Hiện nay, tình hình giao thông trên địa bàn TP Nha Trang diễn biến tương đối phức tạp, gây ùn tắc tại một số tuyến đường, nhất là các tuyến chính dẫn vào TP Nha Trang, như: Đường Lê Hồng Phong, đường 2/4, đường Trần Phú, các điểm nút Mã Vòng, vòng xoay Nguyễn Trãi-Lê Thánh Tôn, điểm giao đường sắt và đường 23/10… Mật độ phương tiện thường tập trung vào giờ cao điểm buổi sáng 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút và buổi chiều 16 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút. Vào những khung giờ này, người tham gia giao thông di chuyển hết sức khó khăn, tình trạng ùn tắc kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự ATGT.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Ngô Khắc Thinh, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang cho rằng: Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị thành phố còn yếu, không tương xứng với tốc độ phát triển của các loại phương tiện. Việc cải tạo, đầu tư các tuyến đường cũng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về kinh phí và giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là sự gia tăng về lượng khách du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại nằm dọc các trục đường chính cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, người tham gia giao thông thiếu ý thức cũng khá phổ biến.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Bàn về giải pháp giúp thành phố giải quyết tình trạng ùn tắc cục bộ như hiện nay, Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa đề xuất: Cần tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông. Theo đó, các cơ quan chức năng cần quản lý trật tự đô thị đúng công năng. Tầng hầm, tầng trệt các công trình nhà thiết kế chỗ để xe thì không được kinh doanh, hoặc kinh doanh có điều kiện. Mặt khác, xử lý triệt để vấn nạn lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh. Đối với khu dân cư đô thị mới, quy hoạch nhà ở phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu hằng ngày, như: Giáo dục, văn hóa thông tin, chợ, dịch vụ thương mại, khu vui chơi… 

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng nhấn mạnh, địa phương cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch theo đúng Quyết định số 1396/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025”, trong đó có các quy định khu chức năng, quy mô đất xây dựng, quy mô dân số, chiều cao xây dựng tối đa, mật độ xây dựng... thì mới tính toán, giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay.

Trung tá Lê Bửu Thọ, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) TP Nha Trang cho rằng, vai trò của lực lượng CSGT rất quan trọng trong việc bảo đảm trật tự ATGT. Thời gian qua, tuy đã quyết liệt triển khai và đạt một số kết quả quan trọng, nhưng vẫn cần có những điều chỉnh để bảo đảm giao thông trên địa bàn thành phố tốt hơn. Thời gian tới, lực lượng CSGT tập trung rà soát, điều tra cơ bản trên một số tuyến đường và các nút giao thông phức tạp, từ đó có phương án phân luồng giao thông hợp lý. Đồng thời, kiến nghị Ban ATGT tỉnh và thành phố thay đổi giờ cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách có tải trọng lớn hoạt động. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Giang, Phó chủ tịch Hội Cầu đường tỉnh Khánh Hòa, việc nâng cao chất lượng các công trình giao thông cũng sẽ góp phần để các phương tiện lưu thông tốt hơn. 

Bài và ảnh: VĂN THI