Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục ĐBVN, với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông, tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, đến nay chưa có đơn vị nào đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm ca-bin học lái xe ô tô, chưa có sản phẩm được chứng nhận phù hợp với Quy chuẩn QCVN 106:2020/BGTVT, chưa có sản phẩm được công bố hợp quy để cung cấp cho các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, việc lùi thời điểm áp dụng là để các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước có đủ thời gian đưa sản phẩm đi thử nghiệm, chứng nhận hợp quy và tổ chức nhập khẩu, sản xuất ca-bin học lái xe ô tô cũng như để các cơ sở đào tạo có đủ thời gian thực hiện các trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp ca-bin học lái xe theo đúng quy định của pháp luật, giúp công tác ĐTLX ô tô không bị gián đoạn, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân trong việc học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Luyện tập bài thi sát hạch lái xe tại Trung tâm Đào tạo lái xe ô tô Việt Thanh. Ảnh: THÀNH VŨ 

 

Trước đó, do tình hình dịch Covid-19 và kiến nghị của các sở GTVT, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, các trung tâm ĐTLX ô tô, ngày 22-4-2022, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, quyết định lùi thời hạn trang bị và sử dụng ca-bin học lái xe ô tô để ĐTLX ô tô trước ngày 31-12-2022.

Theo anh Nguyễn Đức Tuấn, Trung tâm ĐTLX 83 Group (Hà Nội), trước đó, các cơ sở ĐTLX ô tô đã rất khó khăn sau khi lắp đặt hệ thống giám sát, truyền tải dữ liệu các thông tin định danh và quá trình học thực hành lái xe trên đường của học viên, được truyền từ thiết bị DAT lắp trên ô tô tập lái xe trên đường về máy chủ của cơ sở đào tạo rồi về máy chủ của Tổng cục ĐBVN theo Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT. Nếu Bộ GTVT không lùi thời hạn bắt buộc trang bị và sử dụng ca-bin học lái xe ô tô thì các cơ sở ĐTLX sẽ thêm khó khăn bội phần. Bởi vì, mỗi bộ ca-bin điện tử dao động từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng, mà một cơ sở đào tạo ít cũng phải đầu tư từ 4 đến 5 bộ ca-bin. Còn anh Vũ Thành Khiêm, Trung tâm ĐTLX Thành Khiêm (Hà Nội) băn khoăn: “Theo quy định tại khoản a Điểm 9 Điều 1, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT, mỗi học viên phải thực hành 3 giờ trên ca-bin điện tử. Như vậy, mỗi ca-bin chưa đáp ứng đủ cho 3 người/ngày. Mà mỗi khóa đào tạo có tới cả trăm học viên và trong thời gian nhất định, không thể kéo dài. Nếu thực hiện xoay tua thì những người đã lái thực tế rồi về học trên ca-bin điện tử sẽ cảm thấy nhàm chán, không mang lại hiệu quả”.

Trong bài viết “Chương trình đào tạo lái xe theo Thông tư 38: Còn băn khoăn với quy định sử dụng ca-bin điện tử” đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-3-2020, đại diện Trung tâm Dạy nghề lái xe Đông Đô cho biết, từ năm 1995, các cơ sở ĐTLX đã phải trang bị ca-bin điện tử theo quy định của Bộ GTVT, nhưng đến năm 2007 lại bỏ và không có một nghiên cứu hay đánh giá nào về hiệu quả mà nó mang lại. Trên thế giới, các nhà khoa học của Đại học Granada (Tây Ban Nha) đã đánh giá 2.888 nghiên cứu riêng biệt được công bố trên các cơ sở dữ liệu khoa học thế giới từ trước đến nay để đánh giá xem việc học lái xe bằng các thiết bị mô phỏng có hiệu quả, giảm tai nạn giao thông hay không. Kết quả được công bố trên tạp chí hàng đầu về giao thông  Transportation Research Part F (ISSN: 1369-8478, số 62, năm 2019) cho thấy, hiệu quả của thiết bị chưa được khẳng định hay phủ nhận. Từ đó, đại diện đơn vị này kiến nghị Bộ GTVT nên có lộ trình thực hiện và cần có thí điểm, đánh giá hiệu quả, tránh triển khai ồ ạt, gây lãng phí và tạo gánh nặng cho các cơ sở đào tạo.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Bộ GTVT cần nghiên cứu, đánh giá xem việc ĐTLX bằng ca-bin điện tử có hiệu quả, chất lượng hơn so với việc dành thời gian cho người học thực hành lái xe trên đường không. Nếu bắt buộc phải triển khai thì nên từng bước thí điểm, đánh giá tính hiệu quả chứ không nên triển khai đồng loạt, có thể gây lãng phí, tạo gánh nặng cho các cơ sở đào tạo”.

LINH AN