Theo các cơ quan chức năng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CB, CC) cấp xã ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là năng lực công tác và trình độ nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Cá biệt, có địa phương, đội ngũ CB, CC xã không đủ năng lực và kiến thức để kịp thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của cấp trên xuống cơ sở; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của chính quyền cơ sở còn chậm; giải quyết công việc còn nhiều sai sót, dẫn đến khiếu nại, gửi đơn thư vượt cấp. Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận CB, CC cấp xã ý thức trách nhiệm với công việc không cao, làm việc theo kiểu cầm chừng, trông chờ ỷ lại cấp trên… Những hạn chế, yếu kém của đội ngũ CB, CC cấp xã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của từng địa phương và đất nước, gây bức xúc trong nhân dân.

Thấy rõ vai trò, vị trí, tầm quan trong của CB, CC cấp xã, những năm gần đây, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các chủ trương, giải pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ này. Ví dụ ở tỉnh Nam Định, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, phân loại trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ cấp xã; cử đi học các lớp trung cấp, đại học để bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định... Nhờ đó đến nay, số lượng, chất lượng đội ngũ CB, CC cấp xã ở Nam Định được nâng lên rõ rệt. Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Yên Chính, huyện Ý Yên (Nam Định), chia sẻ: "Những năm gần đây, đội ngũ CB, CC của xã Yên Chính có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đối với những cán bộ chuyên môn thuộc diện tuyển dụng đều được tổ chức thi tuyển theo đúng quy định. Việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng tiêu chuẩn quy định, bước đầu bố trí các chức danh công chức phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo. Đến nay, CB, CC ở xã Yên Chính đều đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có trách nhiệm cao trong công việc".

Ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, toàn huyện có 450 CB, CC, trong đó 391 người có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Nhìn chung, đội ngũ này có trình độ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Các xã trong toàn huyện đều thực hiện chủ trương kiên quyết thay thế cán bộ năng lực yếu, không hoàn thành nhiệm vụ; quan tâm cử CB, CC đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ đó, chất lượng CB, CC được nâng lên, có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của địa phương.

Tại tỉnh Đồng Tháp, hằng năm, Sở Nội vụ tỉnh đều tiến hành kiểm tra, sát hạch kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đối với các chức danh công chức cấp xã, như: Cán bộ văn phòng thống kê, cán bộ tư pháp-hộ tịch, cán bộ tài chính-kế toán... Qua các đợt kiểm tra, sát hạch, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tổ chức rút kinh nghiệm đối với các xã có nhiều công chức không đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, yêu cầu từng huyện chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho công chức của xã, đặc biệt là số công chức không đạt yêu cầu trong các đợt kiểm tra. Ông Nguyễn Văn Na, Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), cho rằng: "Tiến hành kiểm tra, sát hạch, cốt là làm sao để CB, CC cấp xã đánh giá được đúng năng lực, trình độ của mình để nỗ lực phấn đấu. Cùng với đó, từng địa phương cũng chủ động xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho CB, CC. Mục tiêu cao nhất là để mỗi CB, CC thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn".

Để nâng cao năng lực cho đội ngũ CB, CC cấp xã, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, chúng tôi cho rằng, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động và thường xuyên rà soát, nắm chắc chất lượng đội ngũ CB, CC thuộc quyền. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong từng năm và cả nhiệm kỳ, trong đó phải gắn bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn với giáo dục phẩm chất đạo đức, ý thức, tinh thần trách nhiệm của CB, CC; tăng cường đào tạo theo vị trí việc làm. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc bố trí, sử dụng cán bộ cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tăng cường tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chính quy có chuyên môn phù hợp về công tác tại các xã, phường, thị trấn; tổ chức thi tuyển công chức bảo đảm khách quan, công khai. Việc chuyển đổi công việc đối với CB, CC chức cấp xã không hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng cần duy trì thường xuyên. Có thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC cấp xã mới góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương và phục vụ tốt hơn cho nhân dân.

 ĐỨC THỊNH - VŨ MẠNH