Những điểm mới 

Thời gian gần đây, tại các địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra những vụ cháy, nổ gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, thậm chí có những trường hợp tử vong. Đáng lo ngại hơn là tình trạng này đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là tại các khu chung cư cao tầng, khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Nghị định 23 của Chính phủ gồm 3 chương, 18 điều quy định cụ thể về điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu; mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ (BHCN) bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy (PCCC); trách nhiệm của các bộ, cơ quan có liên quan và doanh nghiệp bảo hiểm trong thực hiện BHCN bắt buộc... Theo nghị định, đối tượng BHCN bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ bao gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm. Số tiền BHCN bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản quy định tại Khoản 1, Điều 4 của nghị định này tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Nghị định còn nêu rõ, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm quy định tại Khoản 1, Điều 4 của nghị định này phát sinh từ rủi ro cháy, nổ. Số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó (đã được thỏa thuận và ghi trong hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm), trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại Khoản 2, Điều 7 nghị định này. Giảm trừ tối đa 10% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị tại biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC, dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ.

Luật sư Trịnh Xuân Tiến (Hà Nội) cho biết: “Nghị định 23 của Chính phủ bổ sung khá đầy đủ đối tượng, mức phí mua BHCN cho từng trường hợp cụ thể cũng như chi tiết trách nhiệm của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong quá trình triển khai thực hiện”.

Còn nhiều vướng mắc

Mặc dù Nghị định 23 đã quy định chi tiết, cụ thể từng đối tượng tham gia, cũng như những khung pháp lý đi kèm, nhưng quá trình thực hiện đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ví dụ, một tòa nhà cao tầng thuộc đối tượng cần phải mua BHCN bắt buộc, nhưng trên thực thế tính chất những căn hộ ở nhà chung cư không giống nhau; các nhóm đối tượng này thuộc rất nhiều loại, như: Mua cho thuê, mua để ở, mua để kinh doanh... Chính vì vậy, việc yêu cầu những chủ thể này mua bảo hiểm là rất khó khăn. Vì thực chất chủ đầu tư cũng không thể biết được chủ hộ đã đến ở hay chưa, thậm chí nhiều trường hợp còn sang tên, đổi chủ không ít lần.

Theo quy định của pháp luật, việc ký hợp đồng bảo hiểm của những tòa nhà chung cư được thực hiện với Ban quản lý tòa nhà. Song, Ban quản lý không thể đứng ra đóng tiền thay cho chủ hộ, bởi tài sản BHCN thuộc sở hữu của mỗi hộ dân, chưa kể đến việc các chủ hộ mua nhà lại không ở như đã nói ở trên.

 Ông Nguyễn Ngọc Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ Thành Thiên, chia sẻ: "Những cơ sở mới thành lập phải tuân thủ theo quy định mới được mua BHCN. Thế nhưng, trên thực tế nhiều cơ sở sản xuất, khu tập thể cũ là những cơ sở thuộc diện bắt buộc mua BHCN lại thiếu những điều kiện cần và đủ về phòng, chống cháy nổ. Nếu bắt buộc những cơ sở này thực hiện đúng theo quy định thì chi phí lắp đặt rất cao. Vì vậy, các cơ sở này thường “trốn” tham gia BHCN. Ngoài ra, cũng bởi do tâm lý chủ quan nên không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc mua BHCN. Do vậy, khi xảy ra sự cố thì người chịu thiệt không ai khác chính là những chủ sở hữu.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội): Nghị định 23 là cơ sở pháp lý quan trọng quy định chi tiết về BHCN bắt buộc. Nhưng để nghị định này nhanh chóng đi vào cuộc sống, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp… cần phải thực sự vào cuộc; phối hợp chặt chẽ trong triển khai các giải pháp bảo đảm về phòng, chống cháy, nổ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để toàn xã hội nhận thức được tầm quan trọng của việc mua BHCN. Ngoài ra, cần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm thì phải xử lý nghiêm để răn đe. Các doanh nghiệp và người dân cần xây dựng những phương án phòng, chống cháy, nổ cụ thể, chi tiết; tích cực tham gia mua BHCN để hạn chế tổn thất khi sự cố xảy ra.

HỒNG NGUYÊN