Nằm chót vót trên đỉnh núi cao, thu nhập chủ yếu của đồng bào dựa vào việc đi rừng, trình độ dân trí lại thấp nên những năm qua, việc triển khai các chủ trương, chính sách giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, 100% hộ dân ở khu dân cư Trình Tường đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, nhiều nếp sinh hoạt cùng hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại.
Nhằm giúp người dân khu dân cư Trình Tường có cuộc sống no đủ, đầu năm 2020, Lâm trường 156 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Quân khu 3) phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Liêu và UBND xã Hoành Mô triển khai kế hoạch xây dựng nơi đây thành “Khu dân cư biên giới điển hình”. Thực hiện mô hình, đơn vị đã thuê máy xúc, máy ủi về cải tạo đất, san mặt bằng, đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu tiến hành khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu, sau đó liên hệ với Trung tâm Giống cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam để chọn mua cây giống tặng bà con.
 |
Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Quân khu 3) hướng dẫn người dân Trình Tường trồng và chăm sóc vườn mận lai đào. |
Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Lâm trường 156, cho biết: “Người dân Trình Tường chủ yếu sống nhờ đi rừng, không có kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt nên việc đào hố, trồng cây, chăm sóc ban đầu đều do cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện của lâm trường thực hiện. Khi cây bén rễ, đơn vị bàn giao vườn cây lại cho bà con, đồng thời hướng dẫn bà con cách vun xới, bón phân... Đến nay, đơn vị đã trồng được 2.300 cây mận lai đào, 200 cây hồng đỏ và hơn 200 cây mít Thái Lan trên khu dân cư. Cùng với trồng cây ăn quả, đơn vị còn trồng xen kẽ thêm một số giống cây ngắn ngày như mướp, su su, bí xanh, khoai lang... để người dân sớm có sản phẩm thu hoạch.
Do sống trên đỉnh núi cao nên Trình Tường thường xuyên bị thiếu nước. Để bảo đảm nguồn nước tưới cho vườn cây và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, mới đây, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện của lâm trường đã khởi công xây dựng một bể chứa với thể tích gần 100m3; đồng thời mua hơn 6km đường ống dẫn nước từ trên suối về. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên cử các tổ, đội công tác lên khu dân cư thăm hỏi, động viên, giúp bà con làm đường giao thông, sửa nhà, cải tạo trường học; phối hợp với già làng tuyên truyền pháp luật về quản lý biên giới, các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm; hướng dẫn cách sắp đặt đồ đạc trong nhà, ăn ở hợp vệ sinh...
Một trong những khó khăn khi triển khai mô hình là nguồn kinh phí hạn hẹp nên Lâm trường 156 chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành cùng doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chung tay thực hiện. Đến nay đã có tổng cộng 15 đầu mối cơ quan, đơn vị cam kết tham gia giúp đỡ người dân khu dân cư Trình Tường, góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả xây dựng mô hình.
Thành công ban đầu của mô hình không chỉ là những giàn bí, giàn bầu bắt đầu cho thu hoạch, vườn cây ăn quả sinh trưởng, phát triển tốt mà tư duy về sản xuất của người dân Trình Tường đang dần thay đổi. Một số gia đình đã chủ động chăm sóc vườn cây của nhà mình thay vì hằng ngày lên rừng tìm măng, đốn củi bán như trước. Ông Hoàng Xuân Tân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoành Mô, cho biết: “Sự giúp đỡ của bộ đội Lâm trường 156 đã góp phần giúp bà con yên tâm bám biên, bám bản, xây dựng cơ sở chính trị ngày càng vững mạnh”.
Kế hoạch xây dựng Trình Tường thành khu dân cư biên giới điển hình dự kiến sẽ được Lâm trường 156 triển khai trong hai năm. Nhìn vào những kết quả đã đạt được khi mới thực hiện mô hình có thể thấy đây là cách làm sáng tạo, phù hợp để giúp bà con các bản làng vùng biên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG