Công nhân khao khát có chỗ an cư

Hơn 10 năm gắn bó với Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thủy, 37 tuổi, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam luôn ao ước có một căn nhà ổn định. Vợ chồng chị Thủy đều làm công nhân, tổng thu nhập chưa đến 20 triệu đồng/tháng, trong khi đó, chị phải bỏ ra hơn 3 triệu đồng để thuê nhà, trả tiền điện, nước. Cộng với chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học... số tiền tiết kiệm còn lại không được bao nhiêu nên để mua được nhà là điều rất khó. Cũng vì lẽ đó, vợ chồng chị vẫn chưa có kế hoạch sinh thêm con, mặc dù con đầu của chị đã học lớp 7. “Tôi luôn khao khát mua được một căn nhà, dù nhỏ cũng được, bởi có nhà thì con cái mới có chỗ ở ổn định, vợ chồng sẽ yên tâm hơn khi đi làm. Tuy nhiên, giấc mơ đó thật xa vời bởi với thu nhập và giá nhà như hiện tại, nếu cố gắng tiết kiệm cũng phải mất 20-30 năm nữa vợ chồng tôi mới có thể mua được nhà”, chị Thủy bộc bạch.

Chị Lê Thị Xinh, 34 tuổi, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI (Việt Nam) cũng luôn mong ước được tiếp cận nhà ở xã hội với giá hợp lý. Sau 16 năm đi làm, chị Xinh đã lên vị trí quản lý với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng, cộng với tiền lương công nhân của chồng, thu nhập của gia đình chị được hơn 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt, ăn uống, thuê nhà và nuôi 3 con ăn học đã vượt quá thu nhập của gia đình. Vì thế, ngoài thời gian làm việc mỗi ngày 8 tiếng ở công ty, chị Xinh phải đi chợ bán hàng để kiếm thêm thu nhập. Mặc dù vất vả, không có thời gian chăm sóc bản thân nhưng vì cuộc sống, chị đành chấp nhận. Chị Xinh cho biết: “Còn trẻ, vợ chồng tôi phải cố gắng làm việc nhiều hơn để thực hiện mục tiêu là có được một mái ấm riêng cho gia đình”. Trước đây đã nhiều lần tìm hiểu về nhà ở xã hội, chị Xinh cho rằng, thủ tục, điều kiện mua loại hình nhà ở này còn khá phức tạp, như để mua nhà ở xã hội thì phải đáp ứng các điều kiện: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực; phải đăng ký thường trú tại địa phương nơi có nhà ở xã hội, trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên... “Những quy định này khiến công nhân chúng tôi khó tiếp cận với nhà ở xã hội, mệt mỏi vì phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ để xác nhận các điều kiện”, chị Xinh bày tỏ.

leftcenterrightdel
Đã nhiều năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam vẫn phải ở nhà thuê. 

 

Tăng nguồn cung nhà ở xã hội

So với quy định của Luật Nhà ở 2014, Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung thêm một số đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, như công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều công nhân, người lao động có cơ hội được tiếp cận với nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2023 cũng nới lỏng điều kiện mua, thuê nhà ở xã hội, đó là người dân không cần phải đăng ký thường trú hay tạm trú như quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở 2014. Ông Phạm Hoàng Hải, Phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết, Luật Nhà ở 2023 phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được mong mỏi của người lao động. Từ đó góp phần tạo điều kiện cho công nhân, người lao động sớm được tiếp cận với nhà ở xã hội, giảm áp lực về nơi an cư.

Theo các chuyên gia bất động sản, Luật Nhà ở 2023 có nhiều quy định ưu đãi cho chủ đầu tư dự án để khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Điển hình như chủ đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng nhiều ưu đãi khác; không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai; được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại... từ đó góp phần thu hút các nhà đầu tư nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Một nội dung quan trọng khác nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội là tại khoản 4 Điều 80 Luật Nhà ở 2023 quy định: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê. Về vấn đề này, đồng chí Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ: “Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, bởi hiện nay nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng được khoảng 15-20% nhu cầu. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, ban hành kế hoạch giai đoạn 2024-2030 tích cực tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và dành nguồn lực của tổ chức công đoàn để đầu tư hạng mục này”. Dự kiến từ nay đến hết năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2026-2030 tiếp tục xây dựng 10.000-15.000 căn.

Luật Nhà ở 2023 cùng một số luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản mới ban hành đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, từ cơ chế, chính sách đến hiệu quả thực tiễn là một bài toán không đơn giản, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương.

Bài và ảnh: HUYỀN ANH - VĂN HIỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.