Cung ứng hàng chục nghìn tấn bánh kẹo
Có mặt tại Làng nghề xã La Phù vào những ngày giáp Tết, chúng tôi choáng ngợp trước khung cảnh tấp nập, hối hả nơi đây. Con đường trải nhựa dẫn vào làng luôn trong tình trạng ách tắc bởi những hàng xe tải nối hàng dài chờ bốc hàng, những chiếc xe ba gác, xe máy chất đầy thùng carton xếp cao quá đầu người chen chúc giữa dòng xe đông nghịt. Đặc biệt, những cửa hàng hai bên đường từ đầu đến cuối làng đều đầy ắp bánh kẹo, với đủ các chủng loại, màu sắc, mẫu mã.
 |
Những ngày giáp Tết, làng nghề La Phù nhộn nhịp. |
Trong các ngõ xóm những dây truyền máy móc sản xuất bánh kẹo chạy ầm ầm, những công nhân thoăn thoắt với từng công đoạn từ sản xuất, đóng gói sản phẩm…tất cả đều khẩn trương để kịp những mẻ hàng phục vụ Tết. Một người dân trong làng cho biết, cứ vào dịp cận Tết, đường làng lúc nào cũng trong tình trạng tắc nghẹt từ sáng sớm cho đến tối khuya, thậm chí vào ban đêm những chiếc xe tải lớn vẫn vào làng để bốc hàng. Các cơ sở sản xuất thì huy động nhân lực làm việc hết công suất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, sơ khai xã La Phù có nghề nấu mạch nha để cung cấp cho các cơ sở bánh kẹo Hà Nội. Từ đó, nghề nấu mạch nha được người dân địa phương vận dụng khéo léo với việc sản xuất bánh kẹo và phát triển rất nhanh trên toàn xã. Đến nay, ngoài nghề dệt kim, nghề sản xuất bánh kẹo ở La Phù phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành mũi nhọn của huyện Hoài Đức góp phần giải quyết nhiều công ăn việc làm không chỉ cho lao động địa phương mà còn thu hút lao động ở các địa phương khác, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
 |
Bốc xếp, vận chuyển các mặt hàng Tết. |
Đến nay, làng nghề La Phù có gần 700 cơ sở sản xuất bánh kẹo, 165 doanh nghiệp tư nhân và nhiều tổ hợp sản xuất. Trung bình mỗi năm, La Phù cung ứng cho thị trường khoảng 80 nghìn tấn bánh kẹo các loại. Đặc biệt, vào dịp Tết, lượng tiêu thụ bánh kẹo của làng nghề tăng cao. Ngoài việc cung cấp cho thị trường vùng lân cận, bánh kẹo La Phù còn theo chân các tiểu thương đến nhiều địa phương trong cả nước.
Với mẫu mã, chủng loại phong phú, chất lượng sản phẩm của La Phù cũng không ngừng được nâng cao. Ông Nguyễn Hữu Khoa cho biết, thay vì sản xuất thủ công, nhỏ lẻ như trước đây, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm dây chuyền sản xuất bánh kẹo rất hiện đại, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (hiện có khoảng 50 dây truyền sản xuất bánh kẹo). Nhiều cơ sở còn được các thương hiệu bánh kẹo lớn đặt hàng gia công sản phẩm cho họ với yêu cầu, kiểm định chất lượng sản phẩm rất chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Mở rộng kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo
Nghề sản xuất bánh kẹo La Phù phát triển là thế song do mặt bằng sản xuất của xã chật hẹp, không đủ đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất nên hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải di chuyển địa điểm sản xuất sang các xã lân cận. Cũng do mặt bằng sản xuất hạn hẹp nên bên cạnh việc duy trì sản xuất, đầu tư nâng cấp dây truyền trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, những năm gần đây, người dân La Phù còn mở rộng kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo và nhiều sản phẩm khác theo hướng làm đại lý phân phối sản phẩm cho các thương hiệu sản xuất bánh kẹo lớn. Vì thế, vào vụ Tết, hoạt động buôn bán ở La Phù càng trở lên sôi động hơn, với đủ các loại sản phẩm, mẫu mã, giá cả cũng vô cùng đa dạng, từ các sản phẩm bánh kẹo bình dân đến những thương hiệu nổi tiếng.
 |
Chị Tạ Thị Hương, chủ đại lý ở làng nghề La Phù. |
Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với chị Tạ Thị Hương, chủ một tổng đại lý phân phối, luôn bị ngắt quãng khi 2 chiếc điện thoại của chị liên tục đổ chuông do khách hàng gọi đến đặt hàng. Vừa nghe điện thoại chị vừa thoăn thoắt ghi chép đơn hàng rồi yêu cầu công nhân xếp giao hàng theo yêu cầu của khách. Chị Hương cho biết, những ngày này khách đặt hàng rất đông, từ khắp các vùng miền như Phú Thọ, Yên Bái, Nam Định, Thái Bình...Trong đó sản phẩm bán chạy nhất là bánh kẹo, rượu bia.
Chị Hương cho biết, so với những năm trước, nhu cầu thị trường dịp Tết năm nay cũng tăng cao hơn, giá cả các mặt hàng cũng tăng khoảng 5-10% tùy loại. “Để bảo chất lượng sản phẩm và uy tín với khách hàng, tôi thường chọn phân phối sản phẩm của những công ty, cơ sở sản xuất lớn, có thương hiệu trên thị trường”, chị Hương chia sẻ.
Chú trọng kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm
Vừa sản xuất, lại vừa là điểm trung chuyển hàng hóa lớn ra thị trường nên vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn xã La Phù cũng là mối quan tâm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. Bên cạnh các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất hiện đại, phần lớn các hộ sản xuất nhỏ lẻ đang hoạt động kinh doanh ngay tại nơi cư trú, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát VSATTP. Thực tế qua các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, vẫn còn không ít cơ sở vi phạm về đảm bảo an toàn thực phẩm như: Nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; trang phục nhân viên sản xuất không đúng quy định…
Ông Đỗ Đức Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Để bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đáp ứng xu thế hội nhập, Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm của huyện, quản lý thị trường, Phòng Kinh tế huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các xã, làng nghề quan tâm đến công tác này. Trong năm 2018, tại tuyến xã đã kiểm tra 1.356 cơ sở, nhắc nhở 358 cơ sở liên quan đến điều kiện an toàn thực phẩm; tuyến huyện kiểm tra 675 cơ sở. Hằng năm huyện đều tổ chức rà soát thống kê, đánh giá, phân loại và cập nhật các cơ sở dừng sản xuất cũng như các cơ sở mới hoạt động. Sở Công Thương đã phối hợp với huyện mở nhiều lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức cho các xã đặc thù hoặc mở lớp riêng cho các tiểu thương.
Bên cạnh đó, huyện Hoài Đức cũng đã cụ thể hoá và tạo mọi điều kiện giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, tập huấn về kiến thức, cấp phép kinh doanh, cấp phép cho cơ sở đủ điều kiện. “Cùng với công tác thanh kiểm tra, việc tăng cường giám sát, phát huy vai trò quần chúng nhân dân trong phát hiện vận chuyển hàng hoá chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ là hết sức quan trọng", ông Đỗ Đức Trung nhấn mạnh.
Bài và ảnh: THÁI SƠN