"Nhân" mô hình kinh tế hiệu quả
Ở xã Hiệp Hòa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), mô hình kinh tế trang trại của CCB Phạm Văn Hoa mang lại hiệu quả cao, trở thành hình mẫu cho nhiều hộ gia đình học tập. Đi lên bằng hai bàn tay trắng, với tinh thần cần cù vượt khó, CCB Phạm Văn Hoa đã xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với diện tích 30.000m2 trên khu bãi sình lầy, hoang hóa thành công với quy mô hơn 3 vạn con gà; thường xuyên duy trì hàng chục lao động, mức lương 8 triệu đồng/người/tháng. CCB Phạm Văn Hoa chia sẻ: “Điều cốt yếu là mình phải luôn cố gắng, tìm ra hướng đi làm giàu chính đáng”.
Mô hình Hợp tác xã do CCB Nguyễn Thanh Sơn làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Vĩnh Kim, trở thành hạt nhân kinh tế của huyện Châu Thành (Tiền Giang), mỗi năm cung cấp hàng nghìn tấn sản phẩm ra thị trường. CCB Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Chúng tôi luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo trong quản lý, sản xuất và điều hành hoạt động chế biến, bảo quản rau, quả, sản xuất đồ uống, nước khoáng, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, kinh doanh vận tải hàng hóa... Giai đoạn 2016-2021, tổng doanh thu của hợp tác xã là 187 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3,4 tỷ đồng, đóng góp ngân sách gần một tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt 7 triệu đồng/người/tháng”.
5 năm qua, Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã tăng nhanh về quy mô và hiệu quả các mô hình kinh tế. Hiện nay, toàn hội có 8.350 doanh nghiệp, 1.604 hợp tác xã, 3.265 tổ hợp tác, 174.240 trang trại, gia trại (tăng 25% so với 5 năm trước). Các mô hình kinh tế thu hút gần 705.000 lao động. Hiện 63/63 tỉnh, thành phố thành lập hội doanh nhân và câu lạc bộ doanh nhân CCB; hằng năm có hàng chục nghìn hội viên CCB đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp; nhiều mô hình được các địa phương nhân rộng, như: Mô hình “Câu lạc bộ CCB giúp nhau phát triển kinh tế”, “Câu lạc bộ CCB đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế hiệu quả” của hội CCB ở cơ sở xã, phường; mô hình “Góp vốn xoay vòng”, “Góp vốn xoay vòng, chuyển đổi cây trồng” của CCB nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền núi, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; mô hình “5+1” (5 hội viên khá hoặc giàu giúp 1 hội viên thoát nghèo) của Hội CCB tỉnh Bến Tre được hội đồng sáng kiến của tỉnh công nhận và hiện được nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước; mô hình "2 xóa, 3 giúp" của CCB Gia Lai (xóa nghèo, xóa nhà dột nát; giúp công sức, giúp vốn, giúp việc làm) được khẳng định và nhân rộng ở khu vực Tây Nguyên;...
 |
Tổ hợp tác trồng màu của Chi hội CCB ấp Thuận Hòa, xã Gia Hòa 2 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), tháng 3-2021. Ảnh: MINH ANH. |
“Có thể khẳng định, các mô hình kinh tế do CCB làm chủ, hoạt động đa dạng, phong phú ở nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mô hình kinh tế của CCB gặp khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp do CCB làm chủ vẫn đứng vững trên thương trường, doanh thu, lợi nhuận tiếp tục tăng, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương và cả nước. Các mô hình góp phần thay đổi từ tư duy sản xuất, làm kinh tế đơn thuần của CCB sang kinh tế thị trường, hàng hóa, lấy chất lượng làm mục tiêu phát triển. Từng thành viên CCB biết tận dụng, chia sẻ cùng phát triển, tạo thương hiệu, thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao”-Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho biết.
Từ "xóa nghèo" chuyển sang "làm giàu"
Thực hiện Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” và Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, do Thủ tướng Chính phủ phát động, CCB trong cả nước xác định rõ nhiệm vụ, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp, từ đó hội viên đã tích cực tìm nguồn đầu tư, vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động CCB và con em CCB, góp phần ổn định cuộc sống.
Báo cáo tổng kết phong trào nêu rõ: Sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn hội giảm từ 7,66% cuối năm 2016 xuống còn 3,97% (trong đó, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,65%, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,32%); đã có 52,5% xã, phường, thị trấn; 36,3% huyện, thị xã, thành phố; 61,9% tỉnh, thành hội cơ bản hết hộ CCB nghèo; tỷ lệ hộ khá và giàu là 56,37%. Các tỉnh, thành hội tích cực triển khai vận động, khai thác các nguồn lực để xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hội viên CCB. Toàn hội xóa được hơn 22.801 nhà. Số nhà dột nát phát sinh do thiên tai, mới tách hộ là 13.780 nhà. Hiện toàn hội còn 7.947 nhà dột nát, nhà tạm (cuối năm 2016 là 16.968 nhà). Ngoài ra, CCB các cấp tổ chức quyên góp, ủng hộ Quỹ phòng, chống thiên tai, bão lụt, Quỹ vì người nghèo, chất độc da cam/dioxin... được hàng nghìn tỷ đồng.
Đồng chí Vũ Ngọc Bình, Trưởng ban Kinh tế, Hội CCB Việt Nam cho biết: “Từ phong trào này, CCB đã chuyển nhận thức từ chỗ thoát nghèo là trọng tâm, nay chủ động vươn lên giảm nghèo nhanh, bền vững và làm giàu là nhiệm vụ trọng tâm. Từ chỗ coi trọng giảm nghèo về đời sống vật chất, nay công tác giảm nghèo tiếp cận đa chiều và toàn diện hơn, chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường; con em được học hành, được hướng dẫn, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp với CCB”.
Phong trào giúp nhau giảm nghèo đã xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân điển hình xuất sắc; có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả thiết thực, như: CCB Trần Thị Như Hoa, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định). Khi xuất ngũ về địa phương, với hai bàn tay trắng, CCB Trần Thị Như Hoa đã nghiên cứu sản xuất nước mắm, qua nhiều lần thất bại, không lùi bước, nhiều năm kiên trì nghiên cứu học hỏi và đã thành công với thương hiệu “Nước mắm Như Hoa Tam Quan”, đạt “chất lượng và an toàn lương thực, thực phẩm”, tiêu chuẩn OCOP, sản lượng trên 25.000 lít/năm. Ngoài ra, CCB Trần Thị Như Hoa còn đầu tư hai tàu đánh bắt xa bờ, doanh thu 1,5-2 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho 25 lao động, thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng; mỗi năm giúp đỡ 3 hộ nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo.
CCB Đặng Văn Khởi, xã Trung Bình (Trần Đề, Sóc Trăng), nhiều năm là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban nhân dân ấp Mỏ Ó, là tấm gương sáng trong tự lực vươn lên, kiên trì lao động, tạo dựng thành công mô hình nuôi tôm quy mô hơn 9ha, kết hợp kinh doanh dịch vụ, thu nhập mỗi năm gần 2 tỷ đồng, duy trì mức lương cho hàng chục lao động từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, thưởng 8 triệu đồng/lao động sau mỗi vụ tôm; ngoài ra còn giúp 28 hộ gia đình địa phương thoát nghèo, được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận... Từ hiệu quả của phong trào, sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau giảm nghèo, tại nhiều địa phương, hội viên CCB tự giác làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, như: Hội viên CCB ở các huyện Con Cuông, Nghĩa Đàn, Anh Sơn (Nghệ An); huyện Trấn Yên (Yên Bái); huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh)...
Với những kết quả đạt được 5 năm qua, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương cho rằng: Dấu ấn phong trào là CCB phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế trong thời kỳ đổi mới và hội nhập; nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, huy động được nhiều nguồn lực, phát huy được tiềm năng, trí tuệ của CCB; nâng cao nhận thức, năng lực, kinh nghiệm; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nên Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, duy trì nền nếp, đạt kết quả khá toàn diện. Qua đó, cuộc sống của CCB ngày càng được cải thiện, sung túc cả vật chất lẫn tinh thần, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương; góp phần xây dựng hội trong sạch vững mạnh.
THÀNH AN