Những tồn tại, bất cập

Theo quy hoạch đến năm 2020, Việt Nam có 176 khu rừng đặc dụng, trong đó có 34 VQG, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 14 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 61 khu bảo vệ cảnh quan. Trong năm 2017, các VQG, khu BTTN đã đón hơn hai triệu lượt khách, tăng 178% so với năm 2016; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 114 tỷ đồng. Có thể thấy, số lượng du khách và doanh thu từ hoạt động du lịch tại các VQG, khu BTTN có sự tăng trưởng đột biến, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến việc bảo tồn sinh học nếu chính quyền các cấp thiếu các giải pháp hữu hiệu.

Đề cập về tác động của hoạt động du lịch đến việc bảo tồn sinh học tại các VQG, khu BTTN, theo TS Dư Văn Toán (Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo): Phải thừa nhận rằng, tận dụng thế mạnh và tiềm năng của các VQG, khu BTTN để kết hợp với phát triển du lịch là hướng đi đúng, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, nếu chính quyền các địa phương thiếu biện pháp quản lý thì hoạt động du lịch sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái. Trong đó, rõ rệt nhất là sự gia tăng mức độ sử dụng tài nguyên, tăng lượng rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường…

Vườn quốc gia Tà Đùng (Đắk Nông). Ảnh minh họa: dangcongsan.vn.

Theo ông Lê Văn Lanh (Hiệp hội VQG và khu BTTN Việt Nam), việc phát triển du lịch một cách thiếu quy hoạch và kế hoạch rõ ràng ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa cũng như hiệu quả kinh doanh du lịch của các VQG, khu BTTN. Để thấy rõ hơn thực trạng nêu trên, chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số VQG, khu BTTN ở miền Trung-Tây Nguyên. Kết quả cho thấy, hầu hết các VQG, khu BTTN đều tổ chức kinh doanh du lịch, nhưng rất thiếu các biện pháp quản lý và không thống nhất. Hiện tượng phát triển du lịch “nóng”, đặc biệt vào mùa cao điểm làm vượt quá sức chứa, sức chịu tải môi trường. Tại một số nơi, việc xây cáp treo để phục vụ khách du lịch cũng gây tác động tiêu cực tới môi trường, phá hủy hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học…  

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Tại Hội thảo quốc tế “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung-Tây Nguyên” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng phối hợp với một số cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức mới đây, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại các VQG, khu BTTN như: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đào tạo nâng cao năng lực, khuyến khích đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái tại các VQG, khu BTTN; tăng cường sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạt động du lịch sinh thái tại các VQG, khu BTTN; nghiên cứu xây dựng định mức và đối tượng phải thực hiện chi trả chi phí dịch vụ hệ sinh thái nhằm bảo tồn đa dạng sinh học…

Chia sẻ bài học phát triển du lịch đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và giá trị văn hóa bản địa tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An (Quảng Nam), ông Lê Ngọc Thảo, Trưởng ban thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, cho rằng: Trong phát triển du lịch sinh thái, tất cả hoạt động liên quan đến dịch vụ du lịch luôn phải gắn với cộng đồng và tìm cách thu hút người dân tham gia. Đặc biệt, mỗi điểm đến cần có những thông điệp rõ ràng cho du khách...

Theo TS Huỳnh Văn Kéo, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế, để phát triển du lịch sinh thái bền vững ở các khu rừng đặc dụng, cần hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư phát triển. Đây là thời gian để phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia của chủ rừng, nhà quản lý, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương góp ‎ý kiến sửa đổi các điều khoản của các nghị định, thông tư, hướng dẫn phù hợp thực tiễn trong lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực (1-1-2019). Nên có định hướng lâu dài quy hoạch các công trình, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ homestay ở vùng đệm thuộc khu rừng đặc dụng; trong vùng lõi chỉ nên quy hoạch xây dựng các công trình quản lý bảo tồn, nghiên cứu khoa học, các trung tâm nghiên cứu học tập…

Cùng với các giải pháp trong quản lý, để khai thác bền vững, tiềm năng sẵn có của các VQG, khu BTTN, một vấn đề hết sức quan trọng là cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải làm cho mọi người dân thấy rõ: Sức hút khách du dịch của các VQG, khu BTTN không phải nằm ở những nhà hàng sang trọng hay những nhà nghỉ, khách sạn với những trang thiết bị hiện đại, mà chính là ở sự hoang sơ với những bãi đá, khu rừng tự nhiên... Chính sự can thiệp thô bạo của con người không những hủy hoại môi trường, ảnh hưởng đến việc giữ gìn hệ sinh thái, mà còn làm mất đi nguồn thu từ các hoạt động du lịch. Đây không phải là vấn đề mới, mà là một thực tế đang diễn ra ở không ít địa phương trong phát huy thế mạnh, tiềm năng của các VQG, khu BTTN kết hợp với phát triển du lịch. Buông lỏng quản lý, thiếu các giải pháp đồng bộ, phát triển các dịch vụ du lịch quá nóng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên.

THÀNH NAM