Nhà báo HÀ VÂN-Báo Nhà báo và Công luận:
Những bữa cơm đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương
Duy trì bữa cơm gia đình trong xã hội hiện đại thực sự là điều mà những người phụ nữ chúng tôi rất quan tâm và trăn trở, đặc biệt là với gia đình tôi, cả hai vợ chồng đều làm nghề báo-một nghề bận rộn, thường phải chạy theo các sự kiện thời sự và đi công tác xa nhà… Bởi thế, tôi luôn đặt ra cho mình những ranh giới rất cụ thể, rõ ràng giữa công việc và gia đình. Cho dù công việc bận rộn đến mấy, tôi cũng cố gắng bố trí, sắp xếp để dành thời gian chăm lo chồng con và căn bếp nhỏ của mình.
Bữa cơm gia đình là nền tảng văn hóa để duy trì hạnh phúc. Ảnh: Huyền Trang
Ông cha ta đã dạy, người phụ nữ phải là người “giữ lửa” cho tổ ấm và một trong những điều quan trọng để ngọn lửa ấy luôn được cháy bền bỉ chính là những bữa cơm với nhiều tiếng cười, sự gắn bó và tình yêu thương. Sau ngày làm việc vất vả, chồng con và bản thân đều muốn có những phút giây thật nhẹ nhàng, bình an bên nhau. Để luôn có những bữa cơm được duy trì đều đặn, theo tôi không chỉ cần có những món ăn ngon được nấu bằng tình yêu thương, đủ dinh dưỡng mà còn cần một không khí thoải mái, gạt bỏ lại đằng sau cánh cửa tất cả những ưu phiền của công việc, lo toan của gánh nặng mưu sinh… Muốn làm được điều này, rất cần có sự chung tay của tất cả các thành viên trong gia đình, chứ không phải là trách nhiệm của riêng ai. Song, vai trò quan trọng nhất vẫn là người "giữ lửa” cho tổ ấm.
VĂN THI (ghi)
Thượng úy KHUẤT DUY TIẾN, học viên Lớp cao học Xây dựng Đảng, Trường Đại học Chính trị:
Việc bếp núc không chỉ là trách nhiệm của phụ nữ
Xã hội thời hiện đại, không ít người trong chúng ta vì tính chất công việc phải đi làm và sống xa gia đình. Với những người có hoàn cảnh đó thì các dịp lễ, Tết, kỳ nghỉ dài ngày chính là cơ hội để họ có thể về thăm nhà, quây quần bên mâm cơm gia đình. Thông qua đó, cả gia đình lại có dịp trao đổi, bày tỏ, chia sẻ cho nhau về công việc, cuộc sống, cũng như có dịp hỏi thăm sức khỏe của từng thành viên trong gia đình.
Trường hợp của tôi là một sĩ quan đang công tác trong quân đội, đóng quân ở đơn vị chủ lực, xa gia đình, do vậy, khi sắp xếp thời gian công việc hợp lý, được chỉ huy đơn vị tạo điều kiện, tôi thường tranh thủ về thăm gia đình. Người ta thường nói, phụ nữ là người “giữ lửa” trong gia đình, với tôi điều này là đúng, nhưng chưa đủ. Theo tôi, vai trò của người đàn ông, trụ cột trong gia đình cũng rất quan trọng. Chính vì vậy, nếu có cơ hội, tôi thường cùng vợ đi chợ mua thực phẩm rồi vào bếp chế biến các món ăn mà cả gia đình yêu thích. Những lúc cùng vợ lo chuyện bếp núc chính là thời điểm tôi trổ tài làm những món ăn đã học được ở đơn vị, ở trường. Bữa cơm của gia đình tôi thường kéo dài 30 phút. Trong bữa ăn, các thành viên của gia đình trò chuyện vui vẻ và nghe tôi kể những câu chuyện về cuộc sống trong quân ngũ. Không khí vui vẻ, rộn tiếng cười cứ vang mãi trong suốt bữa cơm. Kết thúc bữa ăn, tôi lại cùng vợ dọn dẹp, rửa bát. Chúng tôi vui vì được làm việc cùng nhau và cũng tranh thủ những quãng thời gian ngắn ngủi đó để vợ chồng có dịp tâm sự, chia sẻ với nhau nhiều hơn.
HỒNG ANH (ghi)
Ông DƯƠNG CÔNG THỦY, xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn:
Giúp con trẻ hiểu được ý nghĩa bữa cơm gia đình
Gia đình tôi vốn làm nông nghiệp, công việc thường bắt đầu từ tờ mờ sáng và kết thúc lúc chiều tối, nhất là thời điểm vào vụ thu hoạch mọi người đều bận rộn. Sau một ngày làm việc vất vả, thời gian để các thành viên trong gia đình quây quần bên bữa cơm chiều là khoảnh khắc vô cùng quý giá. Bữa cơm quê tuy đơn giản, thậm chí còn khá đạm bạc, nhưng đầm ấm vô cùng.
Những năm gần đây, nhờ chính sách đổi mới và sự hỗ trợ của Nhà nước cuộc sống người dân nông thôn nói chung và gia đình tôi nói riêng đã được cải thiện theo hướng khá giả hơn. Thế nhưng, thói quen sinh hoạt của gia đình tôi vẫn không thay đổi. Hằng ngày, chúng tôi vẫn duy trì thói quen ăn ba bữa cơm cùng nhau. Làm nông nghiệp nên gia đình tôi tự túc được nhiều thực phẩm, nguyên liệu sạch, sử dụng vào bữa ăn hằng ngày. Chính vì vậy, bữa ăn luôn bảo đảm dinh dưỡng và niềm vui cho mọi người. Ngay từ lúc các con còn nhỏ, vợ chồng tôi đã giảng giải cho chúng về tầm quan trọng của bữa cơm gia đình. Chúng tôi căn dặn các con, dù đi đâu xa, dù bận rộn cũng cố gắng về ăn bữa cơm nhà. Bữa cơm gia đình góp phần gắn kết tình thân, bồi đắp tình cảm, là nét văn hóa của làng quê đã được lưu giữ bao đời nay.
DƯƠNG SAO (ghi)