Chủ trương đúng đắn, cần thiết

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về trình độ lao động, ngày 23-5-2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 761/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án), với 6 tiêu chí: Quy mô đào tạo; việc làm sau đào tạo; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo; kiểm định chất lượng; chất lượng giáo viên, giảng viên; quản trị nhà trường. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tất cả các trường nghề (trong Quyết định) đạt chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Giai đoạn đầu của dự án (từ năm 2014 đến 2016), từng bước thí điểm đào tạo 34 nghề theo các chương trình đào tạo nghề được chuyển giao từ nước ngoài với quy mô tối thiểu 25 học sinh, sinh viên mỗi nghề một năm.

leftcenterrightdel
Lớp học điện công nghiệp. Ảnh minh họa/TTXVN. 
Giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, từng bước mở rộng đào tạo các nghề đã thí điểm đào tạo có học sinh, sinh viên tốt nghiệp được đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ bởi các tổ chức giáo dục-đào tạo có uy tín của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế. Phấn đấu đến năm 2018 có khoảng 15 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao; đến năm 2019 có thêm khoảng 15 trường và đến năm 2020 có khoảng 40 trường chất lượng cao.

Theo bà Khương Thị Nhàn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), phụ trách Ban Quản lý các dự án dạy nghề vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia: Giai đoạn đầu của Đề án đã thực hiện chuyển giao thành công 34 bộ chương trình từ các nước tiên tiến như Úc, Đức; lựa chọn 25 trường được quy hoạch trở thành trường chất lượng cao để thực hiện thí điểm đào tạo cho 41 lớp của 12 nghề đã chuyển giao các bộ chương trình từ Úc với 888 học sinh, sinh viên. Cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo được đầu tư cho các trường nghề chất lượng cao cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đã được tăng cường đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và tiếp cận với tiêu chuẩn, trình độ thế giới.

Còn ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhấn mạnh: “Quan trọng hơn, việc phát triển chương trình, giáo trình và thực hiện thí điểm các chương trình chuyển giao thí điểm nghề đẳng cấp quốc tế đã góp phần thay đổi cấu trúc chương trình đào tạo theo hướng mô-đun tích hợp. Đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy nghề; trình độ tay nghề của học sinh và sinh viên sau tốt nghiệp đã được nâng lên một cách rõ rệt, thể hiện qua tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm hoặc tự tạo việc làm đạt trên 80%…”.

Bám sát thực tế để tháo gỡ vướng mắc

Ngoài những kết quả trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng chỉ ra một số vấn đề bất cập, chưa phù hợp với thực tế so với mặt bằng chung ở nước ta và một số địa phương. Cụ thể, hầu hết các trường nghề trong danh sách phát triển trường nghề chất lượng cao trong đợt này đều cho rằng, tiêu chí về tiếng Anh đạt trình độ ngoại ngữ B1 trở lên theo Khung tham chiếu chung châu Âu (bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam) hoặc tương đương là tương đối khó. Ngoài ra, tiêu chí quy định trường phải có diện tích sử dụng đất tối thiểu 5ha là quá lớn, khó đáp ứng như các trường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Vì các lý do trên nên đến nay mới chỉ có 1/45 trường là Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA 2 (Bộ Xây dựng) tự đánh giá đạt 100% tất cả 6 tiêu chí đề ra và phấn đấu đến năm 2018 được đánh giá, công nhận thành trường chất lượng cao.

Trước những bất cập trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang triển khai lấy ý kiến cho dự thảo Quyết định phê duyệt “Đề án phát triển trường cao đẳng nghề chất lượng cao đến năm 2020” nhằm thay thế cho Quyết định số 761/QĐ-TTg trước đó trên trang web của bộ. Theo đó, dự thảo này đề xuất 5 tiêu chí cho trường cao đẳng nghề chất lượng cao, gồm: Quy mô đào tạo, trình độ học sinh, sinh viên và dịch vụ hỗ trợ học sinh, sinh viên trong đào tạo; đào tạo gắn với nhu cầu người sử dụng lao động; đội ngũ nhà giáo; chương trình đào tạo và cơ sở vật chất, trang thiết bị; quản trị nhà trường và hội nhập quốc tế.

Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng: “Song song với việc đóng góp ý kiến vào dự thảo, việc phát triển trường nghề chất lượng cao phải luôn gắn với việc đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng an toàn lao động, rèn luyện sức khỏe. Các trường nghề cũng phải thay đổi quản trị, phương pháp đào tạo để bắt kịp với xu thế của khu vực và quốc tế trong đào tạo nghề và sử dụng lao động”.

ĐỨC TUẤN