Lập lờ chất làm đầy với si-li-côn

Si-li-côn là chất làm đẹp trong lĩnh vực y khoa được sử dụng ban đầu vào thập niên 1950. Sau đó, si-li-côn được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Công thức hóa học phổ biến thường dùng là cyclopentasiloxane và cyclohexasiloxane; thỉnh thoảng có gặp loại dimethicone và phenyl trimethicone. Sản phẩm si-li-côn tồn tại dưới các dạng: Kem, lỏng, keo, xà phòng và huyết tương. Thực chất, si-li-côn là chất lỏng đặc biệt được tinh chế từ cát. Chất lỏng này có khả năng làm đầy, tạo và giữ dáng khỏe mạnh khi nó được tiêm vào các cơ quan có mô liên kết lỏng lẻo như: Da trán, mi mắt, da mặt, da tay,… và đặc biệt dùng để nâng ngực dưới dạng túi (túi ngực). Mục đích của việc sử dụng si-li-côn chính là làm cho người dùng có thân hình tươi trẻ, khỏe mạnh và hấp dẫn hơn. 

leftcenterrightdel
Phẫu thuật thẩm mỹ cần đến những trung tâm phẫu thuật có uy tín. Ảnh: NHẤT VƯƠNG

Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân nên không ít người sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm, cấy si-li-côn đã bị biến chứng, gây tổn thương đến sức khỏe… Trường hợp của chị D. ở quận 5, TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. Nghe người quen giới thiệu có cơ sở chuyên nâng ngực đẹp mà không cần phẫu thuật, chất tiêm vào ngực là mỡ nhân tạo cao cấp, là hàng "xách tay" từ nước ngoài về nên rất an toàn, không có biến chứng, chị D. tìm đến và thực hiện tất cả 6 lần để nâng hai bên ngực với giá hơn 2.000USD. Kết quả, chị D. phải nhập viện trong tình trạng biến chứng xơ cứng, thâm nhiễm toàn bộ vùng ngực, nách, bụng, hai bên cổ.

Theo bà Phạm Thị Việt Dung, giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, thì bản chất si-li-côn là một hóa chất tổng hợp không tự nhiên nên không thể hấp thụ vào cơ thể người, ngược lại, nó tồn tại vĩnh cửu trong cơ thể người được tiêm với những tai biến trầm trọng. Thế nhưng không ít cơ sở thẩm mỹ đã lừa khách hàng bằng cách chỉ nói đây là chất làm đầy, nhưng thực chất đó là si-li-côn lỏng. Đây là loại chất bị cấm, gây nguy hiểm và được nhiều cơ sở thẩm mỹ sử dụng dưới tên chất làm đầy hoặc mỡ nhân tạo để lừa khách hàng.

Những hệ lụy khôn lường

Theo các nhà khoa học, si-li-côn nếu tồn tại lâu dưới da sẽ chiếm các khoảng trống và gây nên tình trạng thiếu dinh dưỡng tại chỗ, gây thuyên tắc hệ thống mạch bạch huyết dẫn đến nhiễm trùng cục bộ, thậm chí biến chứng nhiễm trùng toàn thân dẫn đến tử vong. Cùng với đó, si-li-côn còn có thể trở thành độc tố, tác nhân gây bệnh cho người và để lại hậu quả nghiêm trọng trên cơ thể, như: Biến dạng, thoái hóa, thoái sản vùng được tiêm. Kết quả các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy: Si-li-côn có thể để lại nhiều di chứng tồi tệ trên cơ thể con người và khuyến cáo phải hết sức cẩn thận khi sử dụng.

Gần đây, chị L. (36 tuổi) ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, sau khi thực hiện ca phẫu thuật nâng ngực tại một thẩm mỹ viện trên địa bàn cũng đã để lại những di chứng phức tạp. Ca phẫu thuật diễn ra ngày 15-5-2017 và kéo dài 7 giờ đồng hồ nên khi kết thúc, chị L. rất mệt và phải lưu trú lại thẩm mỹ viện để các bác sĩ tiếp tục theo dõi. Gần hai tuần sau, chị L. xuất viện trong tình trạng sức khỏe yếu, tinh thần khủng hoảng, ngực sưng tấy, vết thương vẫn rỉ máu, đau đớn và rất mất thẩm mỹ.

Các chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ trong nước và quốc tế cũng cho rằng, do thiếu hiểu biết về tác hại của si-li-côn đối với cơ thể con người và do sự nhẹ dạ, cả tin nên khá đông chị em phụ nữ bị các cơ sở thẩm mỹ lừa dối. Không ít trường hợp sau khi tiêm, cấy si-li-côn từ 5 đến 10 năm vẫn bị biến chứng. Tất cả phụ thuộc vào lượng si-li-côn được bơm vào người nhiều hay ít. Các chuyên gia còn đưa ra khuyến cáo, khi có nhu cầu làm thẩm mỹ, mọi người hãy nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ có uy tín để được bác sĩ tư vấn. Cùng với đó, cần sáng suốt lựa chọn gói dịch vụ nào cho phù hợp, tránh "tiền mất tật mang" do thiếu hiểu biết.

 HỒNG ANH