Trong lúc các quán nhậu bình dân, quán ăn vỉa hè khá đông khách, thì ở các nhà hàng sang trọng, mặc dù không gian rất thoáng mát, sạch đẹp, ánh điện sáng trưng, nhân viên tươi cười mời chào, nhưng vẫn vắng như chùa Bà Đanh…

Doanh nghiệp dè dặt, khách hàng thưa thớt

Đó là ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử khi tìm hiểu tình hình thực tế vào tối thứ 7 (30-10) trên đường Cao Thắng (nối dài) thuộc địa bàn quận 10, nơi được mệnh danh là một trong những “thiên đường ăn uống” của người dân và du khách ở TP Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
Một quán nhậu bình dân trên đường Cao Thắng (nối dài) khá đông khách, phải sử dụng cả lòng, lề đường làm chỗ để xe cho thực khách.
leftcenterrightdel
 Trong lúc, một nhà hàng sang trọng cách đó không xa, lại vắng hoe...

Bước sang ngày thứ ba TP Hồ Chí Minh cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ, thị trường ẩm thực của thành phố vẫn hoạt động phập phù.

Tìm hiểu tại các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố, nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê, khu phố ẩm thực… như: Cách Mạng Tháng Tám, Lê Hồng Phong, Cao Thắng, Tú Xương, Trần Quốc Toản, Trần Quốc Thảo, Kỳ Đồng… chúng tôi cũng bắt gặp tình trạng tương tự.

Nói lý do chọn không gian bình dân để tụ tập ăn uống, anh Nguyễn Trung Kiên, ngụ phường 1, quận 5, cùng nhóm bạn ngồi ở một quán nhậu bình dân trên đường Cao Thắng (nối dài) cảm thán:

- Dịch bệnh kéo dài, việc làm gián đoạn, thu nhập giảm sút, nay được tự do đi lại, mấy anh em bạn bè cùng làm việc với nhau tranh thủ tụ tập cuối tuần hàn huyên cho khuây khỏa. Túi cạn tiền rồi, chỉ ngồi quán cóc vỉa hè lai rai chút đỉnh thôi.

Còn người quản lý một nhà hàng sang trọng cách đó không xa thì lý giải rằng, sở dĩ các nhà hàng sang trọng chưa thể hút khách là bởi còn vướng quy định của UBND Thành phố, mới chỉ cho phép phục vụ ăn uống, chưa cho sử dụng rượu, bia.

“Nếu chỉ ăn uống thông thường thì người ta vào quán bình dân hoặc ngồi vỉa hè thôi. Vào nhà hàng mà không được uống rượu bia thì mấy ai thích. Chỉ mong UBND Thành phố sớm điều chỉnh, bổ sung quy định để người kinh doanh nhà hàng thuận lợi làm ăn, chứ như thế này thì khác gì buộc chân nhảy lò cò” – người này nói.

leftcenterrightdel
Nhân viên một nhà hàng ở quận 10 chuẩn bị mọi thứ cần thiết để đón khách, trong đó có bảng quy định không sử dụng thức uống có cồn.

Nhà hàng Cơm niêu Sài Gòn trên đường Tú Xương, một trong những địa chỉ được các gia đình lựa chọn vào dịp cuối tuần, trước đây rất đông khách vào buổi tối, nhưng nay mặc dù đã mở cửa ba ngày rồi mà lượng khách vẫn thưa thớt.

Để thu hút khách hàng trở lại, nhà hàng đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ, từ sắp đặt, trang trí nội, ngoại thất đến bố trí lực lượng phục vụ.

Từ ngoài đường nhìn vào, không gian nhà hàng rực lên ánh sáng, màu sắc sang trọng, ấm áp, rất bắt mắt và hấp dẫn, nhưng vẫn chưa đủ để lôi kéo thực khách đến ăn uống.

“Dịch bệnh kéo dài, kinh tế khó khăn, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn cao nên có lẽ người ta chưa sẵn sàng quay trở lại thói quen ăn uống ở nhà hàng”- một nhân viên lễ tân trả lời khi được hỏi về lý do nhà hàng vắng khách.

leftcenterrightdel
 Không gian rất trang trọng nhưng nhà hàng Cơm niêu Sài Gòn vẫn vắng khách...

Ngược lại với khung cảnh vắng vẻ trong các nhà hàng, những quán ăn bình dân, vỉa hè lại khá đông khách. Quán bún cá Nha Trang trên đường Lê Hồng Phong (quận 5), phải kê bàn ghế tràn ra vỉa hè để phục vụ thực khách. Hay như quán Bia Sệt trên đường Cao Thắng (quận 10), chủ quán phải sử dụng cả lòng, lề đường để làm chỗ đậu xe cho thực khách, không gian trong quán rất đông khách.

Mô hình bán hàng ăn lưu động bằng xe đẩy, dù chưa chạy hàng như trước đây nhưng người kinh doanh cũng đã có thu nhập lai rai. “Tui mới bán trở lại. Mấy ngày đầu chủ yếu đang thăm dò thị trường. Người mua cũng lai rai” – người phụ nữ bán gà ác, bồ câu tiềm thuốc bắc của tiệm ăn Hưng Ký bằng xe đẩy lưu động trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) nói.

leftcenterrightdel
 Xe lưu động của tiệm ăn Hưng Ký cũng đã bán được lai rai.

Tại quận 7 và TP Thủ Đức, hai địa phương được UBND TP Hồ Chí Minh cho phép các dịch vụ kinh doanh ăn uống tại chỗ được phục vụ đồ uống có cồn (rượu, bia), không khí tối cuối tuần ở các nhà hàng xôm tụ hơn. Phố ẩm thực trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) và hai bên Đại lộ Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) tập trung khá đông thực khách. Theo ước tính của một số chủ nhà hàng, quán nhậu, lượng khách mới đạt khoảng 50% so với trước đây.

Cần thời gian để phục hồi, tái cơ cấu

Anh Hoàng Công Hiệp, ngụ phường 6, quận 3 chia sẻ:

- Các quận trung tâm thành phố chưa cho phép nhà hàng, quán nhậu phục vụ rượu, bia nên chúng tôi rủ nhau qua Thủ Đức lai rai chút. Cũng chỉ uống vài lon thư giãn cuối tuần với bạn bè cho vui rồi về, ngồi lâu không tiện.

Từ thực trạng trên, không ít chủ nhà hàng vẫn còn dè dặt khi quyết định mở cửa trở lại. Chủ nhà hàng Hai Lúa trên đường Kỳ Đồng (quận 3) lập nhóm zalo kêu gọi nhân viên phục vụ đang về quê, trở lại nhà hàng làm việc, nhưng vẫn chưa thể tập hợp đủ nhân lực.

leftcenterrightdel
 Một địa điểm ăn uống trên vỉa hè trên đường Lê Hồng Phong (quận 5) khá đông thực khách.

Nhân viên tản mát mỗi người một nơi, quy định của Thành phố còn quá nhiều ràng buộc, đời sống kinh tế của đại bộ phận người dân còn khó khăn… - đó là những lý do khiến lĩnh vực kinh doanh ăn uống ở TP Hồ Chí Minh trong tuần đầu tiên mở cửa trở lại, vẫn đang hoạt động cầm chừng, nhỏ giọt.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng (TP Hồ Chí Minh), dịch vụ kinh doanh ăn uống là một phần diện mạo của đời sống kinh tế - xã hội. Khi đời sống của đại bộ phận người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 kéo dài, hàng triệu người mất việc làm, mất thu nhập, khiến nhu cầu ăn uống ở nhà hàng trong dân giảm mạnh, mất cân đối cung- cầu.

Cần một thời gian nữa, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các doanh nghiệp tái khởi động, phục hồi chuỗi sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, người lao động có việc làm, có thu nhập, sẽ kích cầu thị trường.

leftcenterrightdel
Hy vọng một ngày không xa, nhân viên lễ tân các nhà hàng sang trọng không còn cảnh rảnh rang ngồi bấm điện thoại lướt nét đợi khách như thế này.

Dưới góc nhìn văn hóa, TS Nguyễn Thị Kim Liên (Học viện Chính trị khu vực II) cho rằng, nét đặc trưng của văn hóa người dân phương Nam là phóng khoáng, hào hiệp. Thích tụ tập ăn nhậu là một trong những biểu hiện của sự phóng khoáng ấy.

Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, môi trường văn hóa đều được quyết định bởi hoàn cảnh kinh tế. Nền kinh tế nói chung, đời sống kinh tế của người dân nói riêng, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 kéo dài, nên nó cần thời gian để hồi phục.

Thời gian đó là bao lâu, tùy thuộc vào hiệu quả kiểm soát dịch bệnh và tái cơ cấu kinh tế của Thành phố trong thời gian tới!

Bài và ảnh: NGUYỄN THẾ TRUNG