Vạn Ninh là huyện đồng bằng ven biển nằm ở phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, đa số người dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có hơn 1.300 hộ nuôi trồng thủy sản với hơn 42.000 lồng nuôi. Riêng tại xã Vạn Thạnh có hơn 900 hộ nuôi thủy sản với hơn 34.500 lồng nuôi. Chính vì vậy, cuộc diễn tập lần này, Ban chỉ đạo đã chọn xã Vạn Thạnh để thực binh. Đây là địa bàn thường có mưa lớn kéo dài, sóng to, lốc xoáy, chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, cũng là nơi đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhà cửa chưa được xây dựng kiên cố, dễ bị thiệt hại khi có bão.

Đồng chí Đàm Ngọc Quang, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết: “Theo sự chỉ đạo của trên, chúng tôi đã tham mưu về quy mô của cuộc diễn tập với tình huống nâng tầm thiệt hại và ảnh hưởng lớn hơn cơn bão số 12 năm 2017 đã xảy ra tại địa phương. Từ đó xây dựng các phương án ứng phó hiệu quả với diễn biến của các cơn bão để chủ động phòng tránh là chính, phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị địa phương, các lực lượng cùng vào cuộc khi có bão đổ bộ vào địa bàn”.

leftcenterrightdel

 Diễn tập hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân vào nơi tránh trú bão an toàn.

Trên cơ sở đó, ban đạo diễn nội dung diễn tập đã làm tốt công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, kết cấu nhiều tình huống cụ thể, bám sát nội dung, rút kinh nghiệm từ những cuộc diễn tập trước của các địa phương trong tỉnh. Quá trình tham gia làm công tác chuẩn bị, anh Lê Thành Sang, chiến sĩ dân quân xã Vạn Thạnh, chia sẻ: “Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khối lượng công việc nhiều, hạng mục công trình xây dựng trên biển khó khăn, song chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, không những góp phần vào thành công của cuộc diễn tập mà còn tạo sự chủ động trong giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bão gió gây ra. Vì thế, chúng tôi đã nỗ lực với quyết tâm cao nhất để bảo đảm tiến độ công việc”.

Theo Thượng tá Nguyễn Kỳ Nam, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Vạn Ninh, địa phương đã huy động đông đảo lực lượng tham gia diễn tập, gồm cấp ủy, chính quyền, LLVT huyện Vạn Ninh và nhân dân xã Vạn Thạnh, phối hợp với Vùng Cảnh sát biển 3 (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam), Hải đội Dân quân thường trực của Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa, Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Khu vực 3 (Công an tỉnh Khánh Hòa). Cùng với đó, có 42 tàu, thuyền, các loại xe và nhiều vật chất khác bảo đảm, tham gia diễn tập.

Cuộc diễn tập PCTT, TKCN tiến hành 3 giai đoạn: Vận hành cơ chế; thực binh xử trí tình huống; chăm sóc y tế, khắc phục môi trường và ổn định đời sống nhân dân. Tình huống giả định là: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với cơn bão tiếp theo sắp đổ bộ, trên địa bàn huyện Vạn Ninh có mưa lớn kèm gió mạnh, gây ngập lụt cục bộ và làm sập, hư hỏng nhà dân, nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, tàu, thuyền bị chìm trên biển, nguy cơ sạt lở tại nhiều địa bàn xung yếu...

Quá trình xử lý tình huống, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy PCTT, TKCN huyện Vạn Ninh và xã Vạn Thạnh bảo đảm chặt chẽ, đúng thứ tự, theo sát nhiệm vụ. Hành động của khung tập thể hiện rõ ý định, nhiệm vụ, xử lý sát các tình huống. Phần thực binh được các bộ phận phối hợp thực hiện nhịp nhàng trong từng nhiệm vụ, như: Thông báo, tuyên truyền và sơ tán nhân dân đến nơi an toàn; tổ chức di dời lồng bè nổi; cơ động sắp xếp tàu, thuyền về khu neo đậu, tránh trú bão; cứu hộ tàu, thuyền gặp nạn khi cơ động, có nguy cơ bị chìm; cứu hộ tàu, thuyền bị cháy tại khu vực tránh trú bão; cứu sập các nhà tạm ở khu dân cư ven biển; TKCN, tiến hành sơ cứu ban đầu, chăm sóc sức khỏe người dân; triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả sau bão...

Trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc diễn tập, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa biểu dương các cơ quan, đơn vị có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị và thực hành diễn tập đạt mục đích, yêu cầu đề ra; các tập thể, cá nhân tham gia đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào thành công của cuộc diễn tập. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: “Trong công tác PCTT, TKCN, chúng ta phải chủ động chuẩn bị chu đáo từ trước để sẵn sàng ứng phó. Khi bão, lũ xảy ra, tình hình phức tạp, công tác TKCN, khắc phục hậu quả chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như không chủ động làm tốt công tác phòng, chống. Diễn tập là bước tập dượt để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành của các cấp ủy, chính quyền và vai trò tham mưu của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương; nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng và phối hợp giữa địa phương với các đơn vị trong nhiệm vụ PCTT, TKCN; đồng thời tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức chủ động phòng, chống và làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra”.

Bài và ảnh: DUY HIỂN - VĂN CỐC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.