Khí thế mới từ hợp tác xã điểm, điển hình

Dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh long của các thành viên, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Xuân (Châu Thành, Long An) tâm đắc: “Là một trong những HTX được chọn xây dựng điển hình về trồng cây thanh long, chúng tôi có hơn 500 thành viên, chia thành 19 tổ hợp tác, sản xuất trên diện tích hơn 350ha. Toàn bộ thành viên đều ứng dụng kỹ thuật CNC vào sản xuất, với gần 20% diện tích đạt chuẩn VietGAP. HTX đang tích cực vận động người trồng thanh long chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tăng giá trị sản phẩm”.

Tham gia HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Xuân, các thành viên được hỗ trợ 30% sản phẩm sinh học để chăm sóc và phòng bệnh cho cây. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ 30% chi phí mua bóng đèn kích thích cây thanh long ra hoa. Đây là những thuận lợi cho các thành viên của HTX để tăng năng suất, tăng thu nhập.

Huyện Cần Giuộc là vùng chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh Long An với diện tích sản xuất khoảng hơn 1.700ha. HTX Nông nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) được chọn xây dựng điển hình về cây rau đang phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng thương hiệu rau an toàn của địa phương. HTX đã xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp bảo đảm chất lượng, có chuỗi liên kết tiêu thụ thực phẩm an toàn cho hơn 100 thành viên cùng nhiều hộ liên kết. Theo ông Đặng Duy Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ Phước Thịnh, diện tích sản xuất của HTX theo quy trình VietGAP đạt hơn 30ha, trong đó bảo đảm có nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm tự động, sử dụng phân hữu cơ vi sinh... Điều đáng ghi nhận của HTX là đã liên kết tiêu thụ với các siêu thị, bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh với số lượng rau cung ứng khoảng 7 tấn/ngày. HTX còn có chính sách thu mua nông sản của thành viên với giá cao hơn thương lái để bảo đảm đầu ra ổn định cho người nông dân. 

leftcenterrightdel
Chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: HOÀNG THUẤN. 

Đến nay, tỉnh Long An đã xây dựng, phát triển 16 HTX điểm và 4 HTX điển hình về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên 3 loại cây trồng: Lúa, thanh long, rau và một vật nuôi là con bò. Tìm hiểu tại các HTX điểm, điển hình của tỉnh, chúng tôi cảm nhận được khí thế, tâm lý phấn khởi của người nông dân khi giá trị sản phẩm được nâng lên, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm ổn định cho người lao động và nâng cao thu nhập, đời sống gia đình. Thành công lớn của việc xây dựng HTX điểm, điển hình ở Long An là góp phần giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất khoa học, hiệu quả hơn và nâng cao ý thức việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

Kiên trì thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Sau thời gian triển khai, các HTX điểm, điển hình đã trở thành điểm sáng trong hướng phát triển đột phá về nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh Long An. Tuy vậy, nhìn nhận thẳng thắn thì để các HTX phát triển vẫn còn những vướng mắc cần sớm được các cấp tháo gỡ, như: Việc liên kết HTX với các cơ sở tiêu thụ chưa bền vững; quy mô sản xuất của các HTX nông nghiệp còn nhỏ; trình độ quản lý chưa khoa học; khả năng tài chính hạn chế... Ông Võ Thanh Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông (huyện Đức Hòa) kiến nghị: Mỗi HTX tương ứng cây trồng, vật nuôi khác nhau sẽ có các vướng mắc đặc thù riêng. Do vậy, các ngành chức năng cần có chính sách cụ thể để HTX tiếp cận chính sách ưu đãi, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đặc biệt là xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, ông Ngô Bảo Quốc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc (địa phương được UBND tỉnh Long An quy hoạch diện tích trồng rau an toàn nhiều nhất trong tỉnh) cho biết: "Phòng NN&PTNT huyện đã kết hợp với Liên minh HTX, Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An xúc tiến việc thành lập Liên hiệp HTX Rau an toàn của huyện để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của HTX. Bên cạnh đó, các sản phẩm luôn hướng đến việc truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, ký hợp đồng thông qua HTX để nâng cao giá trị sản phẩm".

Tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 100 tổ hợp tác, 100 HTX và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp. Tỉnh phấn đấu ít nhất 50% HTX hoạt động hiệu quả và 20% HTX áp dụng CNC vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có ít nhất 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị và ít nhất 10 HTX có sản phẩm trong chương trình OCOP. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh xác định phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành của HTX, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cán bộ HTX, xây dựng phương án kinh doanh, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường...

Đồng chí Nguyễn Chí Thiện, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết: “Tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả từ việc xây dựng các HTX điểm, điển hình và chú trọng tập hợp, liên kết nông dân sản xuất theo quy hoạch thành vùng chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa có số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều đó đòi hỏi phải kiên trì thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương liên quan và nỗ lực của từng HTX. Trong đó, tăng cường năng lực bộ máy hoạt động HTX, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết chuỗi giá trị để bảo đảm đầu ra bền vững cho sản phẩm là những giải pháp cốt lõi”.

HỒNG GIANG