Từ những lời tự nhủ ấy để lấy tình yêu với sách, làm động lực vượt lên hoàn cảnh, cô gái trẻ Trần Thúy Nga (Nghĩa Đồng, Tân Kỳ, Nghệ An) mải miết truyền lửa đam mê sách, tình yêu cuộc sống đến nhiều người, nhất là các em thơ. Chị là một trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong Chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2021.

Thiếu vắng cha, Trần Thúy Nga lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và các anh chị ở vùng quê quanh năm lam lũ. Nhìn các anh chị tuy còn nhỏ mà đã vất vả theo mẹ đi làm thuê đủ việc từ chặt củi, bẻ măng đến mò cua, bắt ốc, chị sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình và quyết tâm học giỏi để lớn lên có tương lai rộng mở, bù đắp phần nào những nhọc nhằn của người thân. 

Thế nhưng, mọi ước mơ của Trần Thúy Nga dần tan biến kể từ khi chị bị căn bệnh viêm đa khớp nặng, căn bệnh tàn phá và làm biến dạng tất cả các khớp trên người, khiến chị không đi đứng được, phải ngồi xe lăn. Chị phải sống chung với bệnh, chịu đựng những cơn đau khớp nặng thêm từng ngày, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người thân. Nhờ tình yêu thương của gia đình, bạn bè và cả những cuốn sách đã kéo chị lên từ tận cùng của tuyệt vọng. Đọc nhiều sách, chị càng hiểu sâu sắc hơn về tình yêu thương, thấm thía hơn những nỗi đau của con người và học được cách cho đi.

Trần Thúy Nga (hàng dưới, thứ hai từ phải sang) và các bạn đọc thân thiết.  

Dù không đi, không làm được các việc tay chân, các khớp bị sưng đau và biến dạng nhưng chị vẫn kiên trì luyện viết, luyện vẽ. Chị chọn việc bán hàng tạp hóa nhỏ để có thêm thu nhập, tiết kiệm tiền mua sách. Nhờ làm bạn với sách, chị xác định được "sứ mệnh cuộc đời mình", rằng được nuôi dưỡng và thay đổi bản thân từ điều gì thì sẽ trả ơn cho đời bắt đầu từ chính điều ấy.

Vậy là từ năm 2013, chị quyết định biến tủ sách của mình thành một thư viện cộng đồng hoàn toàn miễn phí, tạo ra một địa chỉ lan tỏa tình yêu sách và kết nối thói quen đọc sách đến nhiều người khác. "Như vậy thì ai cũng có thể có sách hay, phù hợp để đọc mà không phải nghĩ đến tiền thuê hoặc mua sách, bởi vùng quê miền núi như Nghĩa Ðồng vốn rất khó khăn. Chưa kể tại đây, không ít học sinh nghiện chơi game cho nên tôi muốn kéo các em về với sách"-chị Nga bộc bạch.

Trần Thúy Nga cho rằng, cuộc sống thử thách chị phải là người khuyết tật để biết lấp đầy khiếm khuyết đó bằng trái tim đầy ắp yêu thương. Chị không làm ra nhiều tiền nhưng có thể tạo ra giá trị tích cực cho bản thân và lan tỏa đến nhiều người. Từ ngày đó, hiếm khi chị mua sách giải trí nữa mà tập trung tìm hiểu và mua thêm đa dạng thể loại sách ý nghĩa cho đủ lứa tuổi. Chị trăn trở phải làm sao để nhiều người muốn đọc sách.

Để khuyến khích các em nhỏ đọc sách, chị thường bảo đọc xong cuốn nào mà viết lại được ngắn gọn suy nghĩ, cảm xúc của mình, hoặc "em học được gì từ cuốn sách này?", hay ghi lại việc tử tế các em đã làm được mỗi ngày thì sẽ có thưởng. Chị thường xuyên viết bài đăng lên mạng xã hội về các hoạt động ở Thư viện miễn phí Thúy Nga kèm hình ảnh các bạn đọc đến mượn sách. Các bài viết giúp lan tỏa thư viện đến nhiều người, nhất là các bạn trẻ, thu hút nhiều người đọc sách và muốn làm thư viện cộng đồng như chị.

Nhiều người ở xa cũng tìm đến thư viện của chị để mượn sách. Không ít người hỏi: “Chị lấy tiền đâu ra để mua thêm sách đều đều như thế cho Thư viện miễn phí Thúy Nga?”. “Là tôi bán hàng online một số sản phẩm tự nhiên của quê hương và tối giản chi tiêu cho bản thân để dành tiền mua sách”-cũng từ lời hồi đáp đầy tình yêu với sách, với người đọc sách đó mà thư viện miễn phí của chị ngày càng có nhiều độc giả đúng nghĩa như chị hằng ao ước.

Ngày qua ngày, số sách trong thư viện của chị cứ lớn lên như chính tình yêu của chị với sách, với việc khuyến đọc. Hiện thư viện có hàng nghìn cuốn sách, gồm các loại sách kỹ năng sống, kỹ năng học tập và phát triển bản thân, các tác phẩm văn học kinh điển, những cuốn sách giàu tính nhân văn, sách về danh nhân, lịch sử, khoa học, sức khỏe... Chị thường dành thời gian tìm hiểu các loại sách phù hợp nhu cầu lứa tuổi, đối tượng đọc ở địa phương để mua thêm sách đều đặn hằng tuần, hằng tháng. Bình quân mỗi tháng, chị bỏ ra từ 3 đến 5 triệu đồng mua sách. 

Chia sẻ với chúng tôi về những điều “được” sau khi tìm ra “sứ mệnh” của mình, chị Nga rưng rưng: “Nhờ đọc sách, tôi biết thực hành lòng biết ơn mỗi ngày. Nhờ đọc sách, tôi thấy mình thật may mắn. May mắn nhất là dù tôi khỏe mạnh hay đau bệnh thì người thân vẫn luôn yêu thương và ủng hộ mọi việc tôi làm...".

Bài và ảnh: ĐĂNG HẢI