Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 đã thay đổi thị hiếu mua sắm, người tiêu dùng chủ yếu mua hàng qua các sàn thương mại điện tử nên đã thúc đẩy tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý.
Phức tạp dịp cuối năm
Chiều 14-12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Hải Dương chủ trì phối hợp với Công an thị xã Kinh Môn kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm do bà Nguyễn Thị Liên ở phố Trần Hưng Đạo, thị xã Kinh Môn làm chủ, đang sản xuất, đóng gói mỹ phẩm các loại, ghi nhãn sản xuất tại nhiều cơ sở khác trong và ngoài nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lã Thái Sơn, Phó đội trưởng Đội QLTT số 2, cho biết: “Chúng tôi xác định đây là cơ sở sản xuất và đóng gói chứ không đơn thuần là cơ sở kinh doanh thông thường. Tại cơ sở, chúng tôi phát hiện hàng nghìn sản phẩm thành phẩm, bán thành phẩm cũng như hàng nghìn bao bì nhãn hàng hóa đã in sẵn các thông tin của cơ sở khác. Chủ cơ sở không xuất trình được các hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, đóng gói mỹ phẩm. Qua đấu tranh, chủ cơ sở khai báo mua nguyên liệu, máy móc, bao bì, tem nhãn về để phối trộn, sản xuất, sang chiết, đóng gói mỹ phẩm ghi nhãn của một số cơ sở trong và ngoài nước để bán kiếm lời”.
Bên cạnh mỹ phẩm, bánh kẹo, rượu bia, năm nay, tình hình kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ ở các mặt hàng y tế phục vụ việc chống dịch như găng tay y tế, khẩu trang, dụng cụ sát khuẩn cũng cao hơn những năm trước.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 24-11-2021, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 13.092 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.553 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 12.652 vụ, thu ngân sách nhà nước 276,98 tỷ đồng; khởi tố 28 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 155 vụ.
 |
Các lực lượng chức năng kiểm đếm, thu giữ mỹ phẩm giả tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. |
Khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn, phóng viên ghi nhận: Lạng Sơn với đường biên giới kéo dài, nhiều đường tắt, đường mòn qua lại biên giới nên công tác kiểm tra, kiểm soát hàng lậu gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian vừa qua, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ yếu xuất hiện một số điểm nóng về xuất, nhập lậu hàng hóa trái phép như: Xã Tân Thanh (huyện Văn Lãng); thôn Chi Ma, xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình); xã Bắc Xa (huyện Đình Lập).
Trong năm 2021, Đồn Biên phòng Tân Thanh đã bắt 5 vụ hàng hóa vô chủ nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam, trị giá khoảng 150 triệu đồng; 1 vụ xuất lậu hàng hóa vô chủ từ Việt Nam sang Trung Quốc; bắt 3 vụ vận chuyển pháo, thu giữ gần 500kg pháo nổ...
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Trương Tuấn Giang, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Tân Thanh, cho biết: “Lợi dụng địa hình, địa bàn phức tạp, đời sống nhân dân còn khó khăn, các đối tượng đã lén lút vận chuyển hàng hóa trái phép vào ban đêm, khi lực lượng chức năng phân tán. Dịp cuối năm, tình hình trật tự trên địa bàn sẽ phức tạp hơn, trong đó chủ yếu liên quan đến hàng giả, hàng lậu và xuất, nhập cảnh trái phép”.
Kiểm soát chặt từ tuyến biên giới
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực kiểm tra, kiểm soát, tuy nhiên thực trạng hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp. Hàng giả khi nhập lậu vào nội địa, qua nhiều phương thức khác nhau, có thể dưới dạng nguyên liệu được các cơ sở chế biến, đóng gói đưa ra thị trường; hay nhập hàng chưa có nhãn về sang chiết và đóng gói dán nhãn xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ...
Đặc biệt, các đối tượng vi phạm dùng mọi thủ đoạn để tránh bị phạt nặng và truy tố, như chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, tách các công đoạn vi phạm; vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet... gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.
Để chủ động phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để trấn áp loại tội phạm này. Đồn Biên phòng Tân Thanh đã lập 20 lán, trại dã chiến, bố trí cán bộ, chiến sĩ thường trực để thực hiện nhiệm vụ chốt chặn tại các đường mòn, lối mở 24/24 giờ. Đồng thời lập các tổ cơ động sẵn sàng tiếp sức cho các lán trên biên giới để phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn người, hàng hóa xuất, nhập cảnh trái phép và xuất lậu qua biên giới.
“Chúng tôi đã triển khai lực lượng theo hướng, theo tuyến, tăng cường trên các địa bàn trọng điểm, phối hợp với các lực lượng tập trung đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu, nên tình hình buôn lậu qua biên giới cũng giảm so với những năm trước. Khi chúng ta kiểm soát chặt từ tuyến biên giới thì công cuộc phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ đạt kết quả tích cực”, Thiếu tá Trương Tuấn Giang cho biết thêm.
Theo đại diện của Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), hiện tổng cục đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nhâm Dần-2022.
Theo đó, lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm soát thị trường các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết cùng các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh; nhất quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Hiện lực lượng QLTT đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả, cho biết: “Chúng ta phải xây dựng phương án tổ chức, đồng thời tăng cường lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa. Trong đó, cần tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Ban chỉ đạo 389 các địa phương cần chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng bảo đảm cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng đạt chất lượng cho nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền. Phải tuyên truyền chính sách, pháp luật, kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, vận động nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.
Bài và ảnh: HỒNG THỊNH TRANG