Tuy nhiên, tuyến vận tải này hiện đang gặp ách tắc do hạn chế tĩnh không của cầu Đuống, cây cầu có tuổi thọ hơn 100 năm. Việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo cầu Đuống để khơi thông điểm nghẽn cho vận tải thủy đang là yêu cầu đặt ra cấp thiết.

Cầu Đuống hiện tại đang trở thành điểm nghẽn trên tuyến vận tải thủy qua sông Đuống. Ảnh: TUẤN HUY 

Các tuyến vận tải thủy chính của khu vực Bắc Bộ được xác định gồm hành lang đường thủy số l (Quảng Ninh-Việt Trì qua sông Đuống), hành lang đường thủy số 2 (Quảng Ninh-Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định-Ninh Bình qua sông Luộc) và hành lang đường thủy số 3 (Hà Nội-Lạch Giang (Nam Định) qua sông Ninh Cơ, sông Hồng). Trong đó, hành lang đường thủy số 1 là tuyến vận tải quan trọng trong lưu thông hàng hóa từ khu vực cảng biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng đến Phú Thọ và các tỉnh lân cận, đặc biệt là hàng container, các loại hàng rời như vật liệu xây dựng, phân bón... Trên hành lang số 1 hiện có cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ và đường sắt. Cản trở chính của cầu Đuống đối với vận tải thủy là khoang thông thuyền quá xiên so với dòng chảy chính dẫn đến khó điều khiển tàu, thuyền đi qua. Cầu cũng bị hạn chế tĩnh không thông thuyền, chiều cao chỉ còn 2,3-2,8m trong mùa lũ, bề rộng chỉ khoảng 26m, nguy cơ cao xảy ra va chạm giữa tàu và trụ cầu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt.

Theo Ban quản lý dự án (QLDA) 6 (Bộ Giao thông vận tải), việc đầu tư nâng cấp, cải tạo cầu Đuống để khơi thông điểm nghẽn cho hành lang đường thủy số 1, tăng cường năng lực, đáp ứng nhu cầu vận tải đường thủy là hết sức cần thiết. Cầu Đuống hiện nay đang đi chung cho cả đường bộ và đường sắt. Sau nhiều năm khai thác, cầu đã bị quá tải so với thiết kế và xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2010, từng xảy ra sự cố nứt vỡ bê tông mặt cầu Đuống buộc phải bắc cầu phao qua sông để tiến hành sửa chữa, gây ra nhiều trở ngại, bất tiện cho phương tiện lưu thông.

Hiện nay, Ban QLDA 6 đang nghiên cứu các phương án đầu tư để tách đường bộ và đường sắt trên cầu Đuống. Đồng thời, nâng cao tĩnh không, bề rộng khoang thông thuyền, đáp ứng nhu cầu vận tải và bảo đảm an toàn. Đối với cầu đường sắt, Ban QLDA 6 đề nghị xây dựng cầu mới về phía thượng lưu, cách cầu cũ khoảng 16,5m tại vị trí quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (tuyến Ngọc Hồi-Yên Viên), nâng cao độ đỉnh ray lên khoảng 2,75m để bảo đảm tĩnh không thông thuyền. Phương án này vừa khơi thông được nút thắt cho hành lang đường thủy số 1 vừa ít ảnh hưởng nhất đến tuyến đường sắt đang khai thác. Bên cạnh đó, cũng đề xuất xây dựng mới cầu đường bộ qua sông Đuống, cách tim cầu hiện hữu 100m về phía hạ lưu. Dự kiến, tổng mức đầu tư cho xây dựng mới cầu đường sắt và hoàn trả 1 đơn nguyên cầu đường bộ khoảng 1.793 tỷ đồng. Ban QLDA 6 đề xuất chuẩn bị, lập dự án trong năm 2021 và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2025. Công tác giải phóng mặt bằng sẽ tách thành tiểu dự án do TP Hà Nội thực hiện. Nếu được thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện, cầu Đuống sẽ mang diện mạo mới, không chỉ góp phần nâng cao năng lực cho các loại hình vận tải mà còn bảo đảm tốt hơn an toàn giao thông trên những tuyến đường huyết mạch.

MẠNH HƯNG