Sau hai tháng học nghề tại Xưởng may Hồng Phúc, em Nguyễn Thị Mỹ Khuyên, đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị trấn Xuân Mai, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông đã thành thạo kỹ thuật may quần áo. Do lớp học chỉ diễn ra vào hai ngày cuối tuần nên Khuyên chủ động sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng đến việc học tập hay những công việc khác. Nguyễn Thị Mỹ Khuyên cho biết: “Em rất vui khi vừa biết thêm nghề mới, vừa có thể kiếm thêm thu nhập. Biết đâu nghề may sẽ giúp ích cho em trong tương lai”.

  Lớp dạy nghề may cho đoàn viên, thanh niên của Xưởng may Hồng Phúc.Ảnh: DŨNG NGUYỄN

Cũng như Nguyễn Thị Mỹ Khuyên, em Đỗ Thị Tình, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng là một học viên năng nổ tại Xưởng may Hồng Phúc. Ngoài việc học may tại xưởng, Tình còn nhận thêm hàng về nhà làm. Vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát, các việc làm thêm khác của sinh viên phải tạm dừng thì công việc của Tình vẫn được duy trì. Mỗi tháng, Tình kiếm thêm được từ 2 đến 3 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm từ việc làm thêm, Tình đã tự trang bị nhiều đồ dùng học tập, trang trải chi phí sinh hoạt. Đỗ Thị Tình cho hay: “Em là con cả trong gia đình có 4 anh chị em. Bố mẹ làm nông nên cuộc sống gia đình vất vả. Vì thế, từ khi em tự lập, bố mẹ đỡ một phần lo toan”.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Xưởng may Hồng Phúc không thể nhận dạy nghề cho nhiều người như dự kiến. Đến nay, xưởng đã dạy nghề cho hơn 20 đoàn viên, thanh niên, sinh viên đang cư trú trên địa bàn. Theo chị Lại Thị Hồng, chủ Xưởng may Hồng Phúc: “Đoàn viên, thanh niên, sinh viên có sự lanh lợi, khéo léo nên đa phần học nghề rất nhanh. Xưởng may giúp các bạn được học thêm một nghề, ngược lại, họ cũng giúp xưởng may giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động do tác động của dịch bệnh. Đối với những sinh viên sau khi ra trường mà chưa tìm được việc làm, chúng tôi tạo điều kiện để các em làm việc tại đây với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng”.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình dạy nghề may trên, chị Hoàng Diễm Hường, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị trấn Xuân Mai cho biết, hiện thanh niên nông thôn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Một bộ phận thanh niên gặp khó trong việc chọn nghề. Vì vậy, mô hình dạy nghề may trên sẽ là gợi ý, hỗ trợ hướng nghiệp cho các bạn trẻ. Ý tưởng ra đời mô hình hướng nghiệp xuất phát từ chính mong muốn của các bạn trẻ và sự đổi mới trong phương thức thu hút, tập hợp thanh niên đến với hoạt động của đoàn. “Công việc này tuy thu nhập không cao nhưng ổn định. Các bạn trẻ hoàn toàn có thể tranh thủ làm thêm ngoài giờ học, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp”, chị Hoàng Diễm Hường nhận định.

HOA LƯ