Nhận thấy những bất cập trong việc xử lý rác thải, đặc biệt tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, Bùi Thị Mai Thu và Nguyễn Hương Giang, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) đã nghiên cứu và chế tạo lò xử lý rác thải tại nhà bằng công nghệ lọc khí đốt qua nước vôi trong.
Đề tài nghiên cứu được Bùi Thị Mai Thu và Nguyễn Hương Giang triển khai khi cả hai còn là học sinh Trường THPT Lương Phú, tỉnh Thái Nguyên. Sau hai tháng nghiên cứu và hoàn thiện, lò xử lý rác thải đầu tiên được vận hành với mục đích giảm lượng khí độc thải ra môi trường khi xử lý rác thải vô cơ.
|
Lò xử lý rác bằng công nghệ lọc khí đốt qua nước vôi trong. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Hệ thống này được thiết kế giống bếp lò, với những vật liệu đơn giản như gạch, xi măng, cát, sắt... Khi đưa các loại rác vô cơ như túi nilon, vỏ bánh kẹo... vào hệ thống đốt, một số khí độc hại sẽ sinh ra và được lọc qua một lớp than hoạt tính ở đỉnh lò. Lượng khí được giữ lại ở bề mặt lớp than sẽ tiếp tục đi qua một đường ống nhỏ thiết kế dạng cong xuyên qua một bình nước góp phần giảm bớt nhiệt độ không khí bên trong ống, tránh hư hại thành ống. Đầu ra của ống được cắm vào bể nước vôi trong nên khi lượng khí từ trong ống thoát ra gặp nước vôi trong sẽ tạo thành một số phản ứng hóa học, làm giảm bớt khí độc hại thải ra ngoài môi trường. Với kích thước tương đối nhỏ gọn, dễ di chuyển, lò phù hợp sử dụng tại hộ gia đình.
Bên cạnh đó, bình chứa nước của hệ thống rất kín nên hơi nước được tạo ra trong quá trình đốt rác có áp suất lớn, có thể làm quay tua bin nối với máy phát điện, tạo ra điện năng. Nhiệt dư thừa cũng có thể được sử dụng cho các mục đích khác như tạo ra nước nóng dùng trong sinh hoạt. Đặc biệt, với 0,1m3 rác tổng hợp sau đốt trong lò sẽ thu được khoảng 1,5kg thạch cao, có thể tận dụng nặn tượng đồ chơi cho trẻ em.
Thời gian tới, lò xử lý rác thải sẽ tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện để dự thi chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021. Bùi Thị Mai Thu chia sẻ: “Chúng em sẽ sớm cho ra đời sản phẩm tốt nhất rồi thương mại hóa với giá cả hợp lý, để đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể mua và sử dụng, góp phần giải quyết vấn đề rác thải, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
ĐOÀN THẢO
QĐND - Trong những năm gần đây tại Hà Tĩnh, nhiều công nghệ mới đã được nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mang lại hiệu quả trong xử lý môi trường. Tuy vậy, công tác ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong xử lý môi trường cũng còn những tồn tại, hạn chế.