Những con số đau thương

Giữa tháng 4 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tục xảy ra 3 vụ tai nạn đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của 10 em học sinh và 2 em nhỏ. Vụ thứ nhất xảy ra vào khoảng 12 giờ trưa 15-4, khiến 9 em học sinh Lớp 6B, Trường THCS Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi bị chết đuối. Trước đó, các em rủ nhau đi tắm sông tại phía bờ nam sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà. Mặc dù đã được một phụ nữ nhắc nhở, nhưng các em vẫn tiếp tục tắm, một lúc sau thì tai nạn xảy ra.

Trong khi người dân chưa hết bàng hoàng thì khoảng 13 giờ 30 phút ngày 16-4 lại xảy ra một vụ đuối nước nữa tại suối Lũng Ô, xã Ba Động, huyện Ba Tơ làm em Phạm Văn Minh, học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Trung Đình thiệt mạng. Cũng trong ngày 16-4, khoảng 18 giờ, người dân xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi phát hiện hai em nhỏ là Võ Tùng Lâm (4 tuổi) và em gái Võ Thị Linh Nhi (2 tuổi) bị đuối nước tại bể tự hoại của gia đình hàng xóm.

Còn tại tỉnh Khánh Hòa, khoảng 10 giờ ngày 4-5, một tốp 4 nữ sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Huệ, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh rủ nhau đến khu vực bãi biển thuộc xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh tắm. Trong lúc tắm, các em không may bị dòng nước xoáy cuốn trôi. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng huyện Vạn Ninh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm. Sau hơn một giờ mới tìm thấy thi thể của 4 em.

Trước đó, vào ngày 20-4, tại xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, một nhóm 7 nữ sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Du, xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm rủ nhau đi tắm ở hồ Tà Rục, hậu quả 2 em bị chết đuối, 5 em còn lại may mắn được cứu sống.

Trẻ em tắm sông không có người lớn đi kèm là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm. Trong ảnh:Trẻ em ở xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh tắm và đùa nghịch trên sông. Ảnh: THỤY VŨ 

Gần đây nhất, ngày 8-5, tại xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định xảy ra một vụ đuối nước khiến 3 học sinh lớp 11 Trường THPT Tô Hiến Thành, huyện Hải Hậu bị mất tích, 2 em còn lại may mắn được cứu sống.

Trên đây mới chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra từ đầu năm 2016 đến nay. Đó cũng là những lời cảnh báo đầy đau thương đối với mỗi chúng ta.

Sớm đưa bơi thành môn học bắt buộc

Để tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em, đồng thời tìm giải pháp nhằm hạn chế các vụ tai nạn đuối nước, chiều 5-5, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã liên hệ với lãnh đạo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Tuy nhiên, dù phóng viên đã nói rõ nội dung cuộc gặp là tìm hiểu số liệu về các vụ tai nạn đuối nước, đồng thời trao đổi về các nội dung trên nhưng lãnh đạo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trực tiếp là Phó cục trưởng Vũ Thị Kim Hoa vẫn yêu cầu phóng viên phải làm công văn đề nghị và chờ xem xét nội dung thì mới được gặp và phỏng vấn. Phải chăng, lãnh đạo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em không cảm thấy sốt sắng với những vụ tai nạn đuối nước thương tâm liên tục xảy ra vừa qua?

Được biết, trước thực trạng tai nạn đuối nước có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, tổ chức Đoàn Thanh niên ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực, chủ động phối hợp mở lớp dạy bơi cho trẻ em vào mỗi dịp hè. Tại TP Hà Nội, liên tục từ hè năm 2012 đến nay, nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em đã được mở, giúp hàng nghìn em biết bơi. Anh Đỗ Anh Sáng, cán bộ Ban Tuyên giáo, Thành đoàn Hà Nội cho biết, mục đích của việc dạy bơi cho trẻ em là để tạo điều kiện cho các em có cơ hội học bơi miễn phí; giảm tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra, đồng thời phát động phong trào dạy bơi và học bơi trong thanh thiếu nhi toàn thành phố. Tháng 7-2016, Thành đoàn Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em các quận, huyện trong toàn thành phố.

Không chỉ có tổ chức Đoàn, mà nhiều cá nhân tâm huyết cũng tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Đó là thầy giáo Lê Trung Sứng, giáo viên Trường Tiểu học Long Hòa 1, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ với hơn 20 năm dạy bơi cho hơn 1.000 trẻ em; hay ông Đỗ Xuân Tân ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã dạy bơi miễn phí hơn 10 năm cho trẻ em trên địa bàn…

Được biết, ngày 9-2-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Công văn số 664/BGD&ĐT-CTHSSV, hướng dẫn sở GD&ĐT các địa phương triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để phổ cập môn bơi và chống đuối nước. Mục tiêu được đề ra là chậm nhất đến năm học 2014-2015, các sở GD&ĐT phải xây dựng được mô hình dạy bơi thí điểm trong các trường tiểu học với hình thức phù hợp. Thế nhưng, đã 6 năm trôi qua, việc triển khai của Bộ GD&ĐT vẫn chỉ dừng lại ở việc thí điểm với các nguyên nhân được đưa ra là thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, nhân lực hạn chế.

Để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng đuối nước ở trẻ em, đã đến lúc cần phải đưa bộ môn bơi thành môn học bắt buộc. Muốn làm được điều đó, trước hết, Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng xây dựng, hướng dẫn, triển khai chương trình dạy bơi cho học sinh. Đồng thời, các địa phương cần quan tâm đầu tư, có chính sách, cơ chế khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc dạy bơi cho trẻ em, không nên trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.

ĐỨC TUẤN